Thị trường

Đà Nẵng kỳ vọng doanh thu lưu trú, lữ hành đến năm 2030 tăng bình quân 12,75%/năm

(VNF) - Theo định hướng phát triển du lịch, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đà Nẵng kỳ vọng doanh thu lưu trú, lữ hành đến năm 2030 tăng bình quân 12,75%/năm

Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của Đông Nam Á vào năm 2030.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành đề án định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu lưu trú, lữ hành đạt khoảng 12,75%/năm. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 17,63%/năm.

Năm 2030, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt, trong đó khách quốc tế do cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng 5,8-6,3 triệu lượt. Ngày lưu trú bình quân khách quốc tế dự kiến là 3,3 ngày, lưu trú bình quân khách nội địa dự kiến là 3,1 ngày. Chi tiêu bình quân khách quốc tế là 10,5-11 triệu đồng/ khách, chi tiêu bình quân khách nội địa là 6,5-7 triệu đồng/khách. Nguồn nhân lực khoảng 87.900 lao động trực tiếp.

Định hướng TP. Đà Nẵng sẽ phân bổ không gian phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, hạ tầng viễn thông và hệ thống điện nước, thu gom và xử lý chất thải. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và thị trường du lịch, phát triển nguồn lực đầu tư du lịch và nguồn nhân lực.

Thành phố tập trung xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động du lịch, hệ thống giám sát du lịch thông minh, sàn giao dịch điện tử và trong hoạt động kinh doanh du lịch, quản trị và tổ chức phục vụ khách. Cùng với đó là các giải pháp phát triển văn hoá du lịch, xây dựng chính sách để phát triển du lịch, quy hoạch và đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng, liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kết hợp phục vụ du lịch và phục vụ dân sinh, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Các nguồn ngân sách khác phục vụ hoạt động du lịch được phân bổ cho các ngành, địa phương… sẽ thông qua kế hoạch kinh phí hàng năm. Đồng thời, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và từ các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sở Du lịch là cơ quan đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đề án, chủ trì triển khai các giải pháp phát triển thị trường du lịch, truyền thông nâng cao thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế, giải pháp khôi phục du lịch hậu Covid-19.

Tin mới lên