Bất động sản

Đà Nẵng: Lộ trình phát triển cảng Liên Chiểu thành cảng đặc biệt quốc gia

(VNF) - Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản), vừa đưa ra kế hoạch và lộ trình để đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia.

Đà Nẵng: Lộ trình phát triển cảng Liên Chiểu thành cảng đặc biệt quốc gia

Ảnh minh họa.

Ngày 25/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng – phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được triển khai tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng và do UBND TP. Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản.

Mục tiêu của dự án nhằm tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng. Trong đó, giai đoạn đầu để đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà.

Việc đầu tư xây dựng dự án cũng sẽ giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Đà Nẵng, đồng thời tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và trong khu vực.

Dự án bao gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 teus.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại là sử dụng ngân sách địa phương của TP. Đà Nẵng.

Quyết định nêu rõ UBND TP. Đà Nẵng chịu trách nhiệm về tính chính xác về nội dung, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; chủ trì lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng phải bảo đảm cân đối, bố trí đủ vốn của địa phương và vốn ứng trước trong trường hợp ngân sách trung ương bố trí chưa kịp tiến độ để thực hiện dự án hoàn thành vào năm 2025.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao UBND TP. Đà Nẵng sớm triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch

Nắm được thông tin này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG thay mặt đối tác hợp tác đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) muốn nghiên cứu, đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu. Đồng thời, bà Nga cũng đưa ra kế hoạch và lộ trình để đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển đặc biệt của quốc gia.

Qua đó, việc đưa ra kế hoạch và lộ trình trên dựa vào định hướng phát triển của Cảng Liên Chiểu khi địa phương có lợi thế gần đường sắt, đường bộ, các luồng hàng hải quốc tế, gần trung tâm logistic sân bay, lại được đón nguồn hàng phía Tây (Thái Lan, Myanmar) và một vài vấn đề khác

Bà Nga cho biết dự án hiện đang được văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu, khai thác và muốn đưa Liên Chiểu tiến lên cảng đặc biệt, cảng giao thương trung chuyển lớn nhất khu vực miền Trung.

“Tôi rất mừng là Đà Nẵng đã có quy hoạch hạ tầng cảng biển, sân bay để có một cụm cơ sở hạ tầng đặc biệt, cũng sẽ là hậu cần quan trọng, sinh khí và nội lực mạnh mẽ cho cả khu vực hoạt động, sinh sống và phát triển”, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ.

Để tiến hành dự án, bà Nguyễn Thị Nga thông tin, trong thời gian tới, đơn vị sẽ đưa hàng trăm nhân lực có chuyên môn cao chuyên nghiên cứu về các dự án liên quan của Sumitomo nhằm nghiên cứu và sẽ triển khai nhanh chóng bằng chính thực lực của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga cũng đề xuất thành lập tổ công tác hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và các nhà đầu tư để xử lý các thủ tục liên quan cũng như cung cấp các thông tin nhà đầu tư cần biết.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết, bên cạnh quyết tâm đầu tư cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng song song kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng để khai thác cảng.

"Tại sao Đà Nẵng phải làm nhanh cảng Liên Chiểu, là để tận dụng cát nhiễm mặn để bổ sung cho vùng trũng là rất thuận lợi, nếu không sẽ phải đổ thải ra biển, lãng phí tài nguyên", ông Nam cho biết thêm.

“Quan điểm của Đà Nẵng hiện nay là cảng biển, sân bay không phải chỉ để phát triển giao thông, mà là đầu mối để phát triển đô thị nên bên cạnh xây dựng cảng, Đà Nẵng cũng đồng thời kêu gọi đầu tư khu đô thị cảng biển nên phía nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng các phương án này”, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Tin mới lên