Thị trường

'Đà Nẵng phải cạnh tranh quốc tế thay vì chỉ so sánh với các tỉnh thành khác trong nước'

(VNF) - Tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng không chỉ là nơi du lịch theo nghĩa "cho sướng" mà là nơi bứt phá, vươn lên và tạo cảm hứng phát triển

Ngày 27/6, tại Đà Nẵng, Báo Đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”.

Phần tranh luận của các đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh chóng, từng bước khẳng định vị thế của đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.

Bên cạnh đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Với định hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, địa phương đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.

Ông Hồ Kỳ Minh lấy điển hình các việc như đưa vào hoạt động Công viên vườn tượng APEC mở rộng, tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, bãi biển đêm Mỹ An, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc…

Lĩnh vực du lịch, lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá từ cuối quý I/2022; nhiều khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn, công suất buồng phòng vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Kể từ khi thành phố “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, thành phố đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Đặc biệt, trong ngày 24/6, thành phố đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế, vượt mốc cao nhất năm 2019.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, dự kiến, 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến thành phố. Đà Nẵng đang đứng trước thách thức làm mới chính mình sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, diễn đàn đầu tư tại Đà Nẵng vừa qua đã xác định tọa độ cho việc phát triển, trong đó, Đà Nẵng cần lưu ý tọa độ kết nối quốc tế.

Điển hình, Cảng Liên Chiểu sẽ hình thành cảng có chức năng cảng quốc tế và Sân bay Đà Nẵng là sân bay quốc tế. Điều này sẽ giúp Đà Nẵng hội nhập và do đó phải luôn ở tư thế cạnh tranh quốc tế.

“Động lực tới đây của Đà Nẵng phải là động lực cạnh tranh quốc tế chứ không chỉ so với các tỉnh thành khác trong nước. Đà Nẵng phải đặt mình vào tư thế lúc nào cũng đua tranh thế giới theo nghĩa điểm đến hàng đầu, đáng sống hạng nhất”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết vừa qua, Thủ tướng có đi thăm khu đô thị thông minh ở Đà Nẵng. Qua đó, ông Thiên cho rằng khu đô thị thông minh này là tọa độ thứ hai giúp Đà Nẵng bứt phá phát triển cùng với tọa độ thứ nhất là Cảng Liên Chiểu.

Theo vị chuyên gia này, Đà Nẵng không chỉ là nơi du lịch theo nghĩa "cho sướng" mà là nơi bứt phá, vươn lên và tạo cảm hứng phát triển. Đồng thời Đà Nẵng cũng cần phải dựa vào những “con đại bàng” (doanh nghiệp lớn) đến định hình và phát triển., từ đây, những "con đại bàng" này sẽ giúp cho thành phố "bay lên". 

Tin mới lên