Tài chính tiêu dùng

'Đà tăng trưởng của các công ty tài chính khó có thể giữ được như hiện tại'

(VNF) - Theo TS. Cấn Văn Lực, trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng với nhiều khách hàng dưới chuẩn, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ do áp lực doanh số... trong khi hoạt động này lại rất nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, thị hiếu khách hàng thay đổi (chuộng công nghệ hơn) và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của các fintech, cho vay ngang hàng... khiến biên lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm dần.

'Đà tăng trưởng của các công ty tài chính khó có thể giữ được như hiện tại'

TS. Cấn Văn Lực cho hay: ‘Đà tăng trưởng của các công ty tài chính sẽ khó có thể giữ được mức như hiện tại’.

Tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, nhất là trong khoảng 20 năm vừa qua.

Ông cũng nhận định trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt...

Xét về quy mô và mạng lưới hoạt động, theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng phát triển khá nhanh trong 8 năm qua.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2012), chiếm khoảng 19,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2018 đó, dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 8% (tương đương 110.000 tỷ đồng), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác như Fintech, tài chính vi mô, cho vay ngang hàng... (4%).

Vẫn theo ông Lực, hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng chi phối bởi 3 công ty tài chính lớn như FE Credit (chiếm khoảng 48% thị phần), Home Credit (17%) và HD Saison (10%) (theo Stockplus 2018); các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance. JACCS, Mirae Asset, McCredit... cũng tích cực tham gia hoạt động này.

Cùng với đó, mạng lưới hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển. Thay vì tập trung phát triển những chi nhánh hay phòng giao dịch như những ngân hàng thương mại, những công ty này còn tiếp cận khách hàng thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa như Điện máy xanh, Thế giới di động...

Những khách hàng có nhu cầu mua sắm tại những địa điểm này có thể được giới thiệu và làm thủ tục cấp tín dụng tại chỗ. Việc này giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận được tới những khách hàng có nhu cầu tiêu dùng và cũng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tới những nơi vay tiền.

“Chiến thuật này đã giúp FE Credit phát triển hơn 13.000 điểm giao dịch trên toàn quốc với khoảng 15.000 nhân viên, Home Credit cũng đã có trên 7.000 điểm giao dịch với 8.500 nhân viên, HD Saison cũng có đến 7.500 điểm giao dịch và 7.000 nhân viên”, vị chuyên gia dẫn chứng.

Xét về sản phẩm - dịch vụ, ông Cấn Văn Lực cho biết các sản phẩm-dịch vụ tín dụng tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú đã bao phủ phần lớn nhu cầu tiêu dùng. Phổ biến nhất là các khoản vay tiền mặt, vay để mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, nội thất hay phương tiện (chủ yếu là xe máy)....

Dẫn chứng số liệu từ StoxPlus, ông Lực cho hay 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Ông cho rằng một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ những ngân hàng thương mại là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp; trong khi đó, thế mạnh của các công ty tài chính là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân vay thay vì phải vay “tín dụng đen”...

“Như vậy, cho vay tiêu dùng góp phần giảm tệ nạn tín dụng đen. Ngoài ra, hoạt động tín dụng tiêu dùng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, quay vòng vốn sản xuất-kinh doanh, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Cấn Văn Lực khẳng định.

Tuy nhiên, ông Lực cũng chỉ ra rằng quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Cụ thể, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018 (so với tỷ trọng 21% của Trung Quốc hay 34,6% của ASEAN-5); trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm có 8%.

Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang chỉ tập trung vào 3 công ty lớn gồm FE Credit (khoảng 48% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (10%). “Những công ty này đã chiếm đến 75% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng...”, ông Lực nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo vị chuyên gia, kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế. Nhiều người chưa hiểu rõ về dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt; điều này cũng có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải dùng nhiều biện pháp để đòi nợ.

“Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua”, ông Lực cho hay.

Ông Lực cũng cho rằng đà tăng trưởng cũng như hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại.

Bởi theo ông, trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng với nhiều khách hàng dưới chuẩn, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ do áp lực doanh số... trong khi hoạt động này lại rất nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, thị hiếu khách hàng thay đổi (chuộng công nghệ hơn) và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của các fintech, cho vay ngang hàng... khiến biên lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm dần.

“Việc thiếu thông tin, dữ liệu về khách hàng cũng gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng”, ông nhấn mạnh thêm.

Nêu dẫn chứng, ông cho hay một khách hàng tại Việt Nam có thể có nhiều nguồn thu nhập, nhiều tài sản nhưng lại rất khó xác minh. Nơi ở trên hộ khẩu và thường trú không trùng khớp, sử dụng nhiều số điện thoại cũng làm cho việc liên lạc, tìm hiểu khách hàng gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, vì chưa có nhiều người Việt sử dụng các sản phẩm tài chính nên họ không có lịch sử tín dụng. Những yếu tố trên khiến các ngân hàng thương mại cần xem xét nhiều thủ tục giấy tờ để có thể cấp tín dụng, còn các công ty tài chính thì buộc phải để lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro cao (trong khi đó, lãi suất cao cũng là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến năng lực trả nợ của khách hàng).

Nếu có được hệ thống thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác hơn, các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng có thể điều chỉnh lãi suất hợp lý hơn, cho vay tín chấp nhiều hơn, rút ngắn thời gian thẩm định và giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn.

Tin mới lên