Tài chính

Dabaco: Lãi sau thuế năm 2017 giảm 56%, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017. Theo đó, trong năm 2017, DBC ghi nhận doanh thu 5.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,4% và 56% so với năm trước.

Dabaco: Lãi sau thuế năm 2017 giảm 56%, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn

Dabaco giảm lãi mạnh trong năm 2017

Mảng kinh doanh chính suy giảm

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý IV/2017 của DBC đạt 1.625 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 187 tỷ đồng, giảm 5,2%.

Trong quý, doanh thu tài chính giảm 37%, còn 9,3 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính giảm còn mạnh hơn (-78%) còn 6,6 tỷ đồng. Điều này cộng với việc chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không tăng đã giúp lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 64 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của DBC đạt 5.855 tỷ đồng, giảm 6,4% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 763 tỷ đồng, giảm 6,3%.

Cơ cấu doanh thu của DBC trong năm 2017 ghi nhận sự sụt giảm của mảng thức ăn gia súc (giảm 829 tỷ đồng, tương đương giảm 21%); mảng nguyên liệu, hàng hóa khác (giảm 262 tỷ đồng, tương đương giảm 73%); mảng con giống (giảm 73 tỷ đồng, tương đương giảm 15%); mảng nuôi gia công, chế biến thực phẩm (giảm 184 tỷ đồng, tương đương giảm 15%). Riêng mảng kinh doanh dịch vụ bất động sản, hoạt động xây dựng lại cho thấy sự gia tăng rất đáng kể (tăng 830 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 30 lần).

Cả năm, doanh thu tài chính đạt 67 tỷ đồng, tăng 52%. Tuy nhiên chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức cao 113 tỷ đồng, tăng 6,3%.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 15% và 17%, đạt lần lượt 182 tỷ đồng và 192 tỷ đồng.

Khoản thu nhập khác, vốn là đóng góp quan trọng cho lợi nhuận năm trước, đã sụt giảm mạnh ở năm 2017, chỉ còn 10 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế 2017 của DBC chỉ còn 200 tỷ đồng, giảm tới 56% so với năm 2016.

Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn

Về tài sản, tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của DBC đạt 6.989 tỷ đồng, tăng 1.460 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng tài sản dài hạn (đạt 3.661 tỷ đồng).

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm tới 61% (2.038 tỷ đồng), tăng 5% so với năm trước. Đa phần hàng tồn kho là chi phí sản xuất dở dang (1.255 tỷ đồng), nguyên vật liệu (475 tỷ đồng). Bên cạnh đó, DBC cũng có 568 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn.

Trong cơ cấu tài sản dài hạn, tài sản cố định chiếm tới 69% (2.528 tỷ đồng). So với năm ngoái, tài sản cố định của DBC đã tăng thêm 80%.

Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2017, nợ phải trả của DBC là 4.486 tỷ đồng, tăng 1.296 tỷ đồng (tăng 40%) so với năm ngoái. Nợ ngắn hạn chiếm 77% (3.462 tỷ đồng), tăng 31%. Như vậy, nợ ngắn hạn của DBC đã cao hơn tài sản ngắn hạn (3.462 tỷ đồng/3.327 tỷ đồng).

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn của DBC, nợ vay chiếm tới 66% (2.294 tỷ đồng). Số nợ vay này tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm trước, tương đương tăng 30%. Các chủ nợ lớn nhất của DBC là Ngân hàng Công Thương Bắc Ninh (cho vay 550 tỷ đồng), Ngân hàng Techcombank Bắc Ninh (cho vay 447,6 tỷ đồng), Ngân hàng Agribank Bắc Ninh (cho vay 295,7 tỷ đồng)…

Các khoản vay dài hạn của DBC cũng đã tăng lên đáng kể trong năm 2017, đạt 1.013 tỷ đồng (tăng 82% so với năm trước).

Tổng cộng, nợ vay của DBC là 3.307 tỷ đồng, chiếm gần 74% tổng nợ phải trả, tăng 993 tỷ đồng so với năm trước (tương đương tăng 43%). Số nợ vay này gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu của DBC tại ngày 31/12/2017.

Tin mới lên