Ngân hàng

Đại án OceanBank và những chuyện ‘cực chẳng đã’

(VNF) – "Ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát, mong quý toà xem xét", lời của bị cáo Hà Văn Thắm sáng nay 31/8 một lần nữa đề cập đến tình huống "cực chẳng đã" trong thời kỳ NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đặt trần lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Đại án OceanBank và những chuyện ‘cực chẳng đã’

Đại án OceanBank vẫn đang trong quá trình xét xử sơ thẩm

Đại án OceanBank vừa chính thức mở lại. Bị cáo Hà Văn Thắm bình thản ra tòa dù khung hình phạt cao nhất có thể đến mức tử hình. 34 giám đốc chi nhánh OceanBank dù đã trải qua thời kỳ dài mệt mỏi, vẫn ra tòa với kỳ vọng tòa sẽ không hình sự hóa "trách nhiệm dân sự".

Xuyên suốt đại án OceanBank là những chuyện "cực chẳng đã", xuất hiện ngay khi xét đến sơ khởi điểm của đại án này.

Năm 2011, trong loạt động thái kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành tăng lãi suất điều hành lên 12%/năm nhằm thắt chặt tiền tệ, đồng thời đặt trần lãi suất huy động 14%/năm bằng Thông tư 02.

Vừa tăng lãi suất điều hành, vừa đặt trần lãi suất huy động là chính sách "cực chẳng đã" của NHNN. Chính sách này đẩy các ngân hàng thương mại vào thế phải "tự co mình lại". Với các ngân hàng cỡ nhỏ như OceanBank vốn đã khó khăn trong huy động, nay lại càng "dặt dẹo" khi phải cạnh tranh miếng bánh nhỏ hơn với các đối thủ nặng ký hơn nhiều.

Trong phiên xét xử sơ thẩm đại án OceanBank hồi tháng 3, bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank thừa nhận việc chi lãi ngoài khiến OceanBank thiệt hại cả nghìn tỷ đồng, nhưng ông cũng giải thích việc này là "cực chẳng đã" để níu chân khách hàng không mang tiền sang ngân hàng khác gửi.

"Bản thân bị cáo cũng đã ra chỉ thị cấm chi lãi ngoài, nhưng sau đó ngân hàng gặp khó về thanh khoản nên không thể làm khác. Thống đốc NHNN khi đó có triệu tập cuộc họp G14 đối với 14 ngân hàng, trong đó có OceanBank để chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 02. Nhưng mọi việc không biến chuyển nên bị cáo dù biết làm sai Thông tư 02 nên vẫn phải làm để đảm bảo thanh khoản", bị cáo Thắm nói rõ thêm về nguyên nhân chi lãi ngoài.

Được biết, OceanBank chi lãi ngoài từ tháng 2/2009, đến năm 2011, khi NHNN chỉ thị không chi lãi ngoài, ông Hà Văn Thắm thấy thanh khoản sụt giảm, số dư tiền gửi giảm từ 12.000 tỷ đồng xuống chỉ còn 5.000 tỷ đồng, nên ông Thắm tiếp tục cho chi lãi ngoài.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Hà Văn Thắm nắm giữ tổng cộng tới 62,79% cổ phần tại OceanBank. Gây thiệt hại cho chính ngân hàng mà bản thân sở hữu phần nào cho thấy sự "cực chẳng đã" của ông Thắm, dù còn có thể có những nguyên nhân khác, động cơ khác, lợi ích khác từ việc chi lãi ngoài này.

Trường hợp của bản thân ông Thắm là phức tạp, nhưng với 34 trường hợp giám đốc OceanBank bị truy tố hình sự do chi lãi ngoài, tình huống "cực chẳng đã" hiện lên thuần túy hơn nhiều.

Theo khai nhận của bị cáo Hà Văn Thắm, thời điểm đó, ông Thắm nghe cấp dưới nói rằng các Giám đốc chi nhánh đang bị 1 cổ 2 tròng, một là nếu chi chăm sóc có thể bị Thống đốc cách chức 2 năm, còn nếu không làm đủ chỉ tiêu thì bị chính Oceanbank cho thôi việc. Khi đó, ông Thắm đã bảo họ lựa chọn 1 trong 2 lựa chọn trên, một là bị cách chức 2 năm, hai là bị Oceanbank cho thôi việc vĩnh viễn.

Trước niềm tin rằng vi phạm Thông tư 02 chỉ là vi phạm hành chính, trong tình trạng 1 cổ 2 tròng, và bối cảnh nếu OceanBank mất thanh khoản thì không chỉ ngân hàng nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên và người gửi tiền mà còn bị NHNN khiển trách, thậm chí hình phạt còn nặng nề hơn nhiều do làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính vốn đang "bất ổn" thời điểm đó, hẳn nhiên chi lãi ngoài sẽ là lựa chọn của 34 Giám đốc chi nhánh này – một lựa chọn "cực chẳng đã".

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên - nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu - một trong 34 Giám đốc chi nhánh OceanBank bị truy tố trách nhiệm hình sự

Tình huống "cực chẳng đã" lại một lần nữa tiếp diễn trong đại án OceanBank, nhưng lần này, đối tượng đưa ra quyết định khó khăn là NHNN. Quyết định ấy là mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử tại phiên tòa sáng ngày 6/3 về số tiền 800 tỷ từng là khoản vốn góp đầu tư của PVN nhưng nay đã mất trắng, đại diện ủy quyền Tổng Giám đốc PVN, luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng quyết định mua lại với giá 0 đồng là quyết định đơn phương của NHNN, không phải là sự thỏa thuận.

"Chúng tôi là đơn vị góp vốn Ocean Bank. Quyết định mua lại với giá 0 đồng là quyết định đơn phương của NHNN không phải là sự thỏa thuận. Vì vậy, trong trường hợp này, PVN sẽ bảo lưu quyền lợi và nghĩa vụ", ông Dũng nêu quan điểm của PVN.

Trong phiên tòa xét xử sáng ngày hôm nay (31/8), ông Hà Văn Thắm lại một lần nữa nêu tình huống "cực chẳng đã" trong thời kỳ NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và đặt trần lãi suất để chống lạm phát.

"Bị cáo nghĩ chỉ thị 02 là bắt buộc để chống lạm phát, đi ngược lại với chủ trương phát triển theo thị trường, nó là phi thị trường. Ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát, mong quý toà xem xét. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng đổ bể, có lúc bị cáo có ra chỉ thị dừng chi lãi ngoài nhưng sau đó ngân hàng gần như bị tê liệt, bị cáo làm như vậy là giữ chính sách tiền tệ chứ không phải phá như cáo trạng", ông Hà Văn Thắm cho biết.

Hàng loạt tình huống "cực chẳng đã" nối tiếp xảy ra có xuất phát điểm từ một mệnh lệnh hành chính, và bản thân mệnh lệnh hành chính ấy cũng là một lựa chọn "cực chẳng đã". Khép tội Hà Văn Thắm và 34 Giám đốc chi nhánh OceanBank cần thiết phải xem xét đến bối cảnh "cực chẳng đã" này.

Tin mới lên