Bất động sản

'Đại bàng' chọn bến đỗ Việt Nam, cơ hội tỷ USD cho bất động sản công nghiệp

Các chuyên gia nhận định bất động sản (BĐS) công nghiệp dù đã được hỗ trợ bởi chính sách "đón đại bàng" nhưng vẫn còn những vướng mắc pháp lý, nếu được tháo gỡ sẽ là điểm sáng trên thị trường BĐS năm 2023.

'Đại bàng' chọn bến đỗ Việt Nam, cơ hội tỷ USD cho bất động sản công nghiệp

Khu công nghệ cao (SHTP) TP. HCM

FDI chảy mạnh, bất động sản công nghiệp nhiều cơ hội

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 tháng năm 2022, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên, vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS lại tăng hơn 3,3 tỉ USD, đứng thứ 2 tổng số vốn đầu tư đăng ký.

Trước tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, dòng vốn FDI đổ vào BĐS hiện nay là động lực quan trọng hỗ trợ thị trường, giúp duy trì tăng trưởng của Việt Nam. Một phần nguyên nhân là chính sách thu hút vốn ngoại cởi mở hơn trước nhu cầu phát triển hạ tầng và đô thị hóa mạnh mẽ. 

Đơn cử, khảo sát do CBRE thực hiện gần đây cho thấy, TP. HCM là thành phố lớn nhất Việt Nam giữ vị trí thứ 5 trong 10 thành phố được các nhà tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương quan tâm nhất.

Khi tỉ lệ đô thị hóa tăng dần, đạt 40,91% vào năm 2025 và 44,45% năm 2030, thị trường bất động sản tại các đô thị lớn vẫn là thỏi nam châm thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại, các chuyên gia dự đoán.

Trong đó, BĐS công nghiệp tiếp tục phát đi những tín hiệu phát triển khả quan khi tỉ lệ lấp đầy, giá thuê BĐS tại các khu công nghiệp đến nay duy trì xu hướng tăng và đạt ở mức cao.

Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp công bố bởi SSI Research khi đưa ra góc nhìn tích cực về lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp trong nửa cuối năm nay. Theo đó, đến nửa cuối năm nay, kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Đồng thời, với những cơ hội từ các hiệp định thương mại đem lại, bất động sản công nghiệp đang được đánh giá cao, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn trong thời gian qua, một chuyên gia lĩnh vực BĐS cho biết.

Tháng 2/2022, CapitaLand Development đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Bắc Giang, nội dung trọng tâm đẩy mạnh phát triển dự án khu công nghiệp - logistics - đô thị đầu tiên của Tập đoàn tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư dự kiến 1 tỷ USD.

Tập đoàn YSL (Hàn Quốc) cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp Green Park có diện tích gần 300 ha tại Vĩnh Phúc. Hay như, Nhà máy mới của Foxconn dự kiến xây dựng trên khu đất rộng 50,5 ha tại Khu Công nghiệp Quang Châu ở tỉnh Bắc Giang, tạo ra 30.000 việc làm.

Tại Bình Dương, tập đoàn sản xuất trò chơi nổi tiếng Đan Mạch Lego công bố dự án 1 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành trọng điểm sản xuất trên toàn cầu.

Nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp hiện nay, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Nhiều khu công nghiệp chứng kiến tỉ lệ lấp đầy gần 100%, vốn nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn rất dồi dào.

Có thể nói, thị trường bất động sản công nghiệp dự đoán vẫn diễn biến tích cực trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

Gỡ vướng mắc pháp lý để “đại bàng” tung cánh

Dù chính sách “Đón đại bàng” đang phát huy hiệu quả, thị trường bất động sản công nghiệp hiện nay vẫn còn chưa “bắt nhịp” dòng vốn FDI chảy mạnh, nhiều vướng mắc pháp lý vẫn đang là nỗi trăn trở của nhà đầu tư nước ngoài.

"Vốn FDI vào thị trường bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết, do nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển đầu tư dự án", đại diện Savills cho biết.

Ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Viet Nam) nhận xét, một làn sóng nhà đầu tư mới đang đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định Việt Nam sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới nhưng để có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn FDI mới, tiềm năng, chúng ta cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư…

Có thể nói, mặc dù bất động sản công nghiệp đang có cơ hội thu hút vốn FDI rất lớn, nhưng không ít những khó khăn và thách thức mà nhiều chuyên gia đã chỉ rõ. Nếu khắc phục được thì cơ hội và tiềm năng "đại bàng" tung cánh là rất lớn. 

Giữa tháng 9/2022, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Tin mới lên