Diễn đàn VNF

Đại biểu Bùi Thanh Tùng: 'Dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ'

(VNF) - Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), ngoài việc quan tâm thu hút doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ cũng không nên bỏ quên doanh nghiệp trong nước.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng: 'Dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ'

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng).

Sáng 15/6, phát biểu tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng tại thời điểm hiện nay, cả nước cần ưu tiên cao việc khôi phục phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Theo ông Tùng, thời gian qua, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ" cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ưu ái này, với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp, kéo dài.

Đại biểu cũng cho rằng các văn bản hướng dẫn luật còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây lúng tung, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp mất trung bình 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước qua các thủ tục này, khiến họ cảm thấy hụt hơi, nản chí.

"Thiết nghĩ, chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để có sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát huy nội lực, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế", Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng nói.

Ủng hộ các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại biểu Hải Phòng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, mở rộng nhóm được hưởng hỗ trợ như học sinh, sinh viên, hộ có mức sống trung bình, thu nhập thấp…

Vấn đề nữa mà đại biểu Tùng đề cập là triển khai Luật Quy hoạch hiện nay còn chậm, nhiều vướng mắc, chậm điều chỉnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và sự lúng túng trong việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương và quy hoạch tỉnh, có tính chất “gối đầu” cho giai đoạn 2021-2025, khiến các dự án hạ tầng xã hội quan trọng cũng bị kéo chậm theo.

Từ thực trạng này, ông Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những tồn tại, bất cập trong việc triển khai Luật Quy hoạch và chỉ đạo sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ để phát triển.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2020, có 1.212 dự án mới có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 7,44 tỷ USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký.

Trong 5 tháng qua cũng đã có 18 ngành lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài “rót vốn” vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,88 tỷ USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,92 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 945 triệu USD và 801 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 325 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 176 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 133 dự án, Hồng Kông đứng thứ tư với 113 dự án;…

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng được cho là đang có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Apple và Panasonic.

Tin mới lên