Tiêu điểm

Đại biểu doanh nhân, chuyên gia đánh giá thế nào về nhiệm kỳ Chính phủ?

(VNF) - VietnamFinance tổng hợp các ý kiến đánh giá của các đại biểu là doanh nhân, chuyên gia kinh tế về nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.

Đại biểu doanh nhân, chuyên gia đánh giá thế nào về nhiệm kỳ Chính phủ?

Từ trái qua phải, các đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Đỗ Văn Vẻ, Đặng Thành Tâm, Nguyễn Văn Phúc

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh):

"Về báo cáo của Chính phủ, tôi đồng tình. Về mặt tích cực thì có nhiều điểm nhiều đại biểu nêu và báo cáo đã nêu. Tôi muốn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có 3 điểm nổi bật:

Điểm thứ nhất, tôi cho rằng Chính phủ đã kiên trì 3 mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giải quyết vấn đề an sinh xã hội thể hiện qua kiên trì thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Ở đây có một vấn đề quan trọng đó là Kết luận 02 của Bộ Chính trị, sự kiên trì điều hành này đã đưa nước ta trong thời kỳ ổn định để phát triển.

Điểm thứ hai, tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực trong điều hành cũng như xây dựng của Chính phủ, đó là tất cả quy định từ việc xây dựng pháp luật để trình ra Quốc hội, ban hành các quyết định của Chính phủ đều kiên trì làm sao thị trường nhiều hơn và lấy cơ sở hội  nhập như một phương thức để chúng ra rút ngắn quá trình công nghiệp hóa.

Chính vì vậy, những kết quả đạt được đã cải thiện được hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư. Ví dụ, kiên trì trình Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản...

Thứ ba, Chính phủ rất in đậm trong nhiệm kỳ này là đàm phán thành công các hiệp định song phương thế hệ mới, đặc biệt là TPP trong hoạt động nâng tầm đất nước lên".

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ ( Thái Bình):

"Thành công lớn nhất, nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành một cách chủ động, linh hoạt trên cơ sở ban hành và thực hiện kiên quyết nhiều chính sách về quản lý kinh tế, tài chính bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế ổn định và bảo đảm giá trị tiền tệ, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất…

Để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định về cơ bản kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, điều chỉnh giảm mức động viên thuế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, hỗ trợ thị trường, từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển, thực hiện kiểm soát nợ công trong mức giới hạn, tập trung mở rộng thị trường, tăng nhanh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Vì vậy, nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trên 5,9%/năm là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở các nước trên thế giới và khu vực có nhiều biến động bất ổn về kinh tế vĩ mô, khủng hoảng và suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng, không ít nước tăng trưởng âm.

Chính phủ cũng đã tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kiểm, soát giá thị trường với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ phù hợp với đối tượng chính sách người nghèo, tăng cường quản lý thị trường giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, đã triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu".

Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh):

"Hoạt động kinh tế nổi bật như phi vàng và phi đôla hóa nhiều thời kỳ chưa làm được, đã đóng góp rất tốt cho nền kinh tế, kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, mạng lưới giao thông ngày một tốt hơn, thu hút đầu tư nước ngoài được duy trì rất tốt, công tác an sinh xã hội đạt những kết quả nhất định, độ tín nhiệm tài chính Việt Nam tăng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.

Về chính sách kinh tế, trong thời kỳ hội nhập vẫn còn nhiều lúng túng, chính sách chưa nhất quán thậm chí hay thay đổi chưa thật sự bền vững. Việc đối xử các thành phần kinh tế chưa thật sự bình đẳng, minh bạch, còn nhiều tồn tại rất cần nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp toàn dân để kinh tế Việt Nam thực sự cất cánh phát triển mạnh mẽ và bền vững và kinh tế phải phát triển mạnh mẽ, bền vững thì sẽ góp phần rất lớn vào nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Tôi cũng mạnh dạn đề xuất cần phải có quyết sách về đột phá nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Ví dụ, cần thành lập bộ kinh tế biển để xây dựng nền tảng pháp lý cho toàn dân tham gia phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Bởi vì, kinh tế biển chúng ta có nhiều thế mạnh và trên cơ sở phát triển kinh tế biển một phần đem lại quyền lợi về kinh tế, một phần bảo vệ lãnh thổ đất nước được tốt hơn. Ví dụ, chúng ta bỏ 1 tỷ USD giúp người dân ra khơi đánh cá thì tạo ra đội tàu cá 1 vạn chiếc ra khơi còn mạnh hơn cả 1 hạm đội tàu chiến để bảo vệ đất nước".

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh):

"Tôi nhận thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, một Chính phủ đang chuyển mình lấy phục vụ nhân dân là chính.

Nhiều thành tựu nổi bật của Quốc hội đã được trình bày ngày hôm qua đóng góp to lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ trưởng, trưởng ngành. Tôi có một số kiến nghị đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ tới phải tập trung rà soát, đánh giá sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Chính phủ để trình Quốc hội khóa XIV quyết định tại kỳ họp thứ nhất vào tháng 7/2016.

Chúng tôi đề nghị dứt điểm trong nhiệm kỳ tới, với một Chính phủ tôi nhận thấy với những gương mặt dự định trình, theo những thông tin biết được là kế thừa được những phong cách và tính cách mạnh mẽ của Thủ tướng, của Chính phủ, sẽ mạnh mẽ sắp xếp lại và tinh giảm bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định.

Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định khác với việc chúng ta cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức đấy. Cần phải lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói là "cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập", tôi đề nghị phải nghiêm như vậy".

Tin mới lên