Diễn đàn VNF

Đại biểu Dương Trung Quốc: ‘Cần minh bạch quy trình ấn nút ở Quốc hội’

(VNF) - Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói ông cảm thấy không an tâm về quy trình bày bỏ chính kiến của các đại biểu Quốc hội dù đã được áp dụng công nghệ hiện đại.

Đại biểu Dương Trung Quốc: ‘Cần minh bạch quy trình ấn nút ở Quốc hội’

Đăng đàn tại Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc ( Đồng Nai) nói ông cảm thấy không an tâm về quy trình bày bỏ chính kiến của các đại biểu Quốc hội dù đã được áp dụng công nghệ hiện đại. Ông Quốc nói:

"Nếu Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, chắc chắn chỉ có nhân dân và cử tri là người giám sát hoạt động Quốc hội nói chung và đặc biệt của các đại biểu Quốc hội do họ bầu ra.

Như vậy, chúng ta phải quan tâm đến những cơ chế, những công cụ để cử tri có thể giám sát đại biểu Quốc hội của mình tôi hơi khác ý kiến của vị đại biểu vừa phát biểu trước tôi rằng chính chúng ta đang làm hạn chế tính công khai của Quốc hội, có thể nói đây là bước lùi của Quốc hội khóa XII, XIII hay nói đúng hơn là từ khi chúng ta ứng dụng công nghệ vào trong việc biểu quyết.

Trong hoạt động của đại biểu Quốc hội việc biểu quyết là công việc quan trọng bậc nhất thể hiện không chỉ quan điểm cá nhân mình mà thể hiện mang tính đại diện của những cử tri, trước hết là những cử tri bầu ra mình.

Nếu như trước kia từ khóa XI khi chúng tôi được tham dự các cuộc biểu quyết Quốc hội thì mỗi đại biểu có một mã số, một biển cầm trong tay và bày bỏ chứng kiến của mình một cách công khai, minh bạch trông rất thô sơ nhưng rất công khai rằng tôi đồng ý hay không không đồng ý và điều đó khiến cho cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng biết được chính kiến của từng người một.

Trong khi đó từ khi chúng ta có được công nghệ nó mang nhiều yếu tố ưu việt có thể nhanh hơn, chính xác hơn nhưng từ một hành vi công khai lại trở thành nửa kín nửa hở bởi vì có thể những ai có trách nhiệm và hoàn toàn về công nghệ họ có thể biết được nội dung cụ thể 500 đại biểu ai đồng ý, ai không đồng ý, nhưng số đông các đại biểu Quốc hội và xã hội trong đó có các cử tri đâu có biết chính kiến của ai.

Chính vì thế mới nảy sinh ra hiện tượng tôi nghĩ đáng phải suy nghĩ rằng tại sao sĩ số thông báo ở trên màn hình mỗi lúc một khác. Bởi vì, có người quên bấm hoặc bấm hộ nhau còn nếu cầm cái biển thì không ai quên, không ai hộ được cả.

Như thế là một bước lùi về tính minh bạch mà điều này tôi đã nêu vấn đề từ nhiệm kỳ khóa XII, kể cả nhiệm kỳ này chúng tôi đã nhiều lần phát biểu trên nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả chất vấn Quốc hội, gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội mà không hề được trả lời mà chúng ta vẫn kéo dài tình trạng như thế này thì tôi cho rằng đấy là điều không ổn, một khi người dân không biết được chính kiến của người đại biểu của mình thì làm sao họ có thể phán quyết những quyết định rằng có tín nhiệm nữa hay không tín nhiệm nữa.

Vì thế chúng tôi đề nghị đây là kiến nghị chúng ta sớm khắc phục việc này. Không phải vấn đề kỹ thuật, hiển thị 500 danh tính, không khó. Điều quan trọng quan niệm của chúng ta đây là bỏ phiếu công khai, hay biểu quyết không công khai. Chừng nào còn là công khai thì phải là công khai.

Chúng ta thấy sang các quốc gia khác, đôi khi họ còn giữ rất nhiều truyền thống, rất thô sơ nhưng rất minh bạch. Ví dụ, Hạ viện Anh, ai đồng ý thì ra mở cửa, ai không đồng ý thì ra mở cửa khác và ký vào biên bản. Biên bản được để ngay trong hành lang Quốc hội để bất kỳ ai cũng có thể đến giám sát được ngày ấy, giờ ấy, kể cả trước đây cả thế kỷ thông qua đạo luật ấy, chính kiến của mỗi thượng nghị sỹ như thế nào.

Tôi cho đây là vấn đề không đơn giản, nhưng nó mang tính nguyên tắc. Chúng ta sớm khắc phục việc này bằng việc ứng dụng công nghệ, nhưng mục đích cuối cùng phải là công khai.

Điều đó làm người dân giám sát được hành vi chính kiến của từng đại biểu Quốc hội để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm ở nhiệm kỳ sau đấy nữa hay không. Đấy là một ý kiến chúng tôi xin đóng góp như một kiến nghị để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sớm khắc phục".

Tin mới lên