Tiêu điểm

Đại biểu không muốn dùng tiền ngân sách làm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Trong khi vốn đầu tư công thiếu, nhiều lĩnh vực cần nguồn vốn lớn, ĐBQH kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP thay vì đầu tư công.

Đại biểu không muốn dùng tiền ngân sách làm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Do nguồn vốn đầu tư công thiếu, đại biểu Quốc hội kiến nghị đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP thay vì đầu tư công. Ảnh: Việt Linh.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 13/6, vấn đề giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập. Trong đó, dự án được người dân miền Tây mong chờ nhiều nhất là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cũng được đại biểu Quốc hội nhắc đến.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) muốn trao đổi với Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hoà và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về đề nghị chuyển đổi dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ đầu tư PPP sang đầu tư công.

Theo ông Sơn, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP năm 2016.

Năm 2018, Bộ GTVT đã tổ chức sơ tuyển quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư nhưng sau đó đã huỷ kết quả sơ tuyển.

Sau đó một năm, Bộ GTVT phê duyệt, điều chỉnh dự án theo hướng tiếp tục thực hiện bằng hình thức PPP với thời gian thu phí 22 năm, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Song, trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2020 về việc chuyển đổi chủ trương đầu tư một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng giao Bộ GTVT chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021 và khánh thành 2022.

Ngày 22/4, Bộ GTVT có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công và hoàn thiện vào năm 2023.

“Điều kiện vốn đầu tư công đang thiếu, vốn đầu tư trong nhiều lĩnh vực còn rất lớn, nhất là sắp tới cần lượng vốn lớn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng cho đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP”, ông Sơn nêu quan điểm.

Theo đại biểu, việc này sẽ đảm bảo đúng tiến độ và rút ngắn thời gian thu phí, không làm tăng tổng mức đầu tư.

Trước đó, dự án này được đại biểu Phạm Văn Hoà nhắc đến trong phần phát biểu thảo luận sáng cùng ngày.

Theo ông, Thủ tướng, Bộ GTVT đã cầu thị, tập trung đầu tư, nhân dân trong vùng rất trân trọng, mơ ước vùng sớm có những đoạn đường cao tốc để kết nối với TP.HCM, phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang đẩy nhanh tiến độ, đến cuối năm có khả năng sẽ được thông tuyến, theo ông Hoà, đây là tín hiệu mừng.

Tuy nhiên, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 đến nay có nguy cơ chậm lại, như vậy sẽ khó kết nối với TP.HCM.

Vì vậy, ông Hoà đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án được liên thông toàn tuyến bằng phương thức đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả.

Dự án đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Do vậy, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ hết sức cần thiết. Đặc biệt, hiện nay tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gấp rút hoàn thành. Cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã được khởi công xây dựng.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài khoảng 22,97 km, điểm đầu là đoạn kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 tại thành phố Vĩnh Long, và điểm cuối tại nút giao thông Chà Và kết nối quốc lộ 1 (Vĩnh Long).

Tổng vốn đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 là 4.827,3 tỷ đồng, dự kiến đến 2023 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.

Tin mới lên