Bất động sản

Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' gỡ vướng cho hàng chục nghìn căn hộ khách sạn condotel

(VNF) - Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), nên nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Đại biểu cho rằng nếu bổ sung quy định này thì vướng mắc mà khoảng trên 90.000 căn hộ khách sạn condotel, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại, văn phòng lưu trú, officetel, căn hộ du lịch, căn hộ thương mại đang gặp phải sẽ được tháo gỡ, tài sản của hàng vạn nhà đầu tư sẽ có tính thanh khoản.

Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' gỡ vướng cho hàng chục nghìn căn hộ khách sạn condotel

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc cho hàng nghìn căn hộ, khách sạn condotel.

Ngày 14/11, tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh đã cho ý kiến về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn.

"Cơ chế thỏa thuận tạo ra sự mất công bằng xã hội"

Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, ông Phạm Văn Thịnh cho rằng cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

"Thực tiễn cho thấy việc duy trì cơ chế thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận, giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận", ông Thịnh nêu.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.

Bên cạnh đó, cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến trăm lần so với dự án thỏa thuận hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại là người được nhận giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước.

Ông Thịnh cho rằng việc hạn chế các dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thỏa thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất. Theo đó, ông Thịnh đã đề nghị không chỉ danh mục các dự án nêu tại Điều 86 trong dự thảo mà toàn bộ nội dung của Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 cần được giữ nguyên và bổ sung thêm, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa.

"Danh mục các dự án nhà nước thu hồi theo Điều 62 Luật 2013 là rất xác đáng, nhưng nay theo Điều 86 dự thảo luật thì vẫn có nhiều dự án chưa được đưa vào, như các đại biểu phát biểu trước đó", ông Thịnh cho hay.

Ví dụ, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, công trình thu gom, xử lý chất thải, hệ thống dẫn chứa xăng, dầu, khí đốt đầu mối, nhà máy điện trong quy hoạch do doanh nghiệp gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước thực hiện thì lại chưa có trong danh mục.

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu Phạm Văn Thịnh đã đề nghị dự thảo bổ sung thêm trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích.

"Điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện", ông Thịnh nói.

"Bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn"

Về vấn đề điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, quy định như điểm a, b, khoản 1 Điều 61 thì chưa phù hợp với các tỉnh, đô thị mới bước vào giai đoạn đầu phát triển.

"Thực tế quy hoạch đô thị có tầm nhìn 10 năm, 20 năm, nên tại thời điểm triển khai dự án thì khu vực quy hoạch có hiện trạng là địa bàn nông thôn, nếu bắt xây nhà 100% mới đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ rất khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, lãng phí nguồn lực xã hội", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, có thể quy định mềm hơn, theo hướng yêu cầu xây thô một tỷ lệ nhất định, khoảng 10% đến 20% số lô đất ở của dự án nằm trên các trục tuyến đường chính khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch là phù hợp.

Đáng chú ý, tại phiên thảo luận này, ông Thịnh đã đề nghị dự thảo luật nên nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn. Theo ông Thịnh, việc nhà nước giao, chứng nhận quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, đối với các dự án có quyền sử dụng đất ở có thời hạn, quy định này sẽ hạn chế đầu cơ đất phân lô, bán nền mà khuyến khích đầu tư vào giá trị của tài sản trên đất. Cùng với đó sẽ kéo giảm giá đất ở.

Cũng theo ông Phạm Văn Thịnh, với việc bổ sung quy định này thì quỹ đất và quyền sở hữu của Nhà nước sẽ không mất đi mà ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho Nhà nước thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình được thuận lợi, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo chỗ ở cho người dân phù hợp với thu nhập của từng đối tượng.

"Đây chắc chắn sẽ là xu thế bắt buộc nếu Nhà nước muốn đạt được mục tiêu đưa đất đai trở lại vai trò chính là tư liệu sản xuất mà không phải là hàng hóa đầu cơ ưa thích, liên tục tăng giá hàng thập kỷ và mục tiêu đảm bảo đáp ứng được chỗ ở cho mọi người dân phù hợp với mức thu nhập của mình", ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu bổ sung quy định này thì vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng trên 90.000 căn hộ khách sạn condotel, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại, văn phòng lưu trú, officetel, căn hộ du lịch, căn hộ thương mại sẽ được tháo gỡ, tài sản của hàng vạn nhà đầu tư sẽ chính danh và có tính thanh khoản.

"Nhà nước không chỉ tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân mà còn tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế hình thành nợ xấu, giảm thiểu rủi ro trong thị trường tài chính, một mũi tên nhưng trúng nhiều đích", ông Thịnh nói.

Tin mới lên