Bất động sản

Đại biểu Quốc hội muốn Bộ Xây dựng quy định cấm dùng tầng hầm chung cư làm chỗ để xe

(VNF) – Tại Quốc hội hôm nay (13/11), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị sửa Luật Xây dựng để không cho các chung cư cao tầng hoặc khách sạn dùng tầng hầm làm nơi để xe.

Đại biểu Quốc hội muốn Bộ Xây dựng quy định cấm dùng tầng hầm chung cư làm chỗ để xe

Tầng hầm chung cư (ảnh minh họa)

Đại biểu Phương lập luận: “Từng xe là từng thùng xăng và tầng hầm nơi đậu xe máy, xe ô tô trở thành kho xăng dầu, khi cháy thì không thể nào mà cứu chữa được.

“Nếu phun nước vào thì xăng nổi lên mà xăng thì vẫn cháy. Khi cháy thì không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản mà còn khiến các trụ nhà cao tầng bị nóng và bị ảnh hưởng”.

“Chắc chắn rất khó để nói rằng an toàn của chung cư đó, khách sạn đó là đảm bảo”, ông Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Phương đề nghị: trong tương lai, các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.

“Cơ quan nhà nước thì có chấp nhận được vì ít (xe), còn các khu chung cư thì phải có một khu vực đậu xe riêng và khu vực này có thể cũng là cao tầng”, ông Phương nói.

Người dân và chính quyền đổ lỗi cho nhau khi có hỏa hoạn

Cũng thảo luận tại Quốc hội hôm nay, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy, nổ hiện nay để nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý, cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan”.

Theo đại biểu Mai Hoa, hiện có sự chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất và lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật - không chỉ là những quy định trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy mà còn ở các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực.

“Đây là những nguyên nhân khiến cho các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện”, bà Hoa nói.

Bà Hoa cũng nhấn mạnh công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ còn nhiều lỗ hổng.

“Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân lại bảo là chúng tôi không biết.

“Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy, nổ thì được xử lý rất ít. Thực tế cho thấy khi sự cố cháy nổ xảy ra lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm.

“Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn.

“Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi”, bà Hoa bình luận.

Theo đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang), chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 2.927 vụ cháy, làm chết 59 người, bị thương 64 người, thiệt hại về tài sản là 654.940 triệu đồng, trong đó có 27 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tính mạng và tài sản.

Tin mới lên