Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về 'chênh lệch địa tô'

(VNF) - Tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 10/1, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về 'chênh lệch địa tô'

Ông Ngô Trung Thành, Đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Lắk

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất sửa đổi trong dự án 1 luật sửa đổi, bổ sung 8 luật, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV.

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất sửa đổi theo hướng là ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để đầu tư xây dự án nhà ở thương mại. Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) chỉ ra điểm bất cập khi trong diện tích đất đang sử dụng không có m2 đất ở nào nên không thể triển khai dự án nhà ở thương mại theo phương thức nhà nước chấp thuận đầu tư. "Muốn đấu giá, đấu thầu cũng không xong vì đất không thuộc diện thu hồi thì nhà nước không thể thu hồi để đấu giá, đấu thầu", ông Thành cho biết.

Ông Thành cũng cho rằng việc sửa đổi quy định này cần đánh giá kỹ tác động, cần xem xét một cách thấu đáo. Đại biểu đoàn Đắk Lắk nêu ví dụ mới đây là thương vụ đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm (TP. HCM) đã đem lại giá trị địa tô cho nhà nước là rất lớn. Cụ thể, cũng một diện tích, một khu đất như ở Thủ Thiêm, nếu không đấu giá, mà nhà đầu tư chỉ nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì số tiền thu được rất nhỏ so với đấu giá.

“Vì vậy, theo dự thảo luật, dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai”, ông Thành nhấn mạnh.

Tham gia tranh thuận, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho biết có một số đại biểu nêu ý kiến về chênh lệch địa tô giữa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đấu giá, nhưng theo ông Hậu, đó là "sự so sánh đơn thuần".

Ông Hậu phân tích, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, quyền này được Nhà nước bảo vệ, thì căn cứ nào cho phép Nhà nước thu hồi rồi đưa mảnh đất đó đi đấu giá. Nếu quá trình đấu giá, một nhà đầu tư khác trúng đấu giá, thì lại triển khai dự án trên đất của người trước.

Nói về bất cập trong Luật Đầu tư năm 2020 mà Chính phủ đang đề nghị sửa đổi, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng giả sử có hai khu đất A và B, khu đất A có 1m2 đất ở, còn lại là đất khác thì được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Còn khu đất B, do không có m2 đất ở nào nên không được chuyển đổi mục đích.

"Đây là sự trớ trêu của những quy định hiện hành trong thực tiễn áp dụng. Ngoài ra, một số quy định hiện còn góp phần tạo nên câu chuyện "con gà, quả trứng", gây trì trệ cho phát triển nhà ở thương mại. Đó là muốn có chủ trương đầu tư thì phải có quyền sử dụng đất ở và ngược lại, muốn có quyền sử dụng đất ở thì phải lại có chủ trương đầu tư", ông Hậu nói và cho rằng sửa đổi như dự thảo là hợp lý, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ nút thắt hiện nay trong phát triển nhà ở thương mại, thu hút được các nguồn lực trong lĩnh vực này.

Đại biểu tỉnh Tây Ninh cho rằng khi nhà ở thương mại phát triển, tạo nên các khu dân cư mới, kéo theo sự phát triển dịch vụ, thương mại, thay đổi bộ mặt đô thị, Nhà nước sẽ thu được nhiều giá trị và giá trị này lớn hơn nhiều so với chênh lệch địa tô như một số đại biểu lo lắng.

Tin mới lên