Nhân vật

Đại diện bà Trần Uyên Phương: 'Các giao dịch là tự nguyện của các bên, không liên quan Tân Hiệp Phát'

(VNF) - Đại diện pháp lý của bà Trần Uyên Phương khẳng định các giao dịch bà Phương đã thực hiện không phải là giả cách, hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động đề xuất của đối tác. Đồng thời, vị đại diện này cũng lưu ý các sự việc không liên quan đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Đại diện bà Trần Uyên Phương: 'Các giao dịch là tự nguyện của các bên, không liên quan Tân Hiệp Phát'

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, đại diện cho bà Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) vừa có phản hồi liên quan đến thông tin Bộ Công an có văn bản về việc ngăn chặn chuyển nhượng và cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của bà Phương.

Theo văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, hiện đơn vị chưa nhận được các thông tin, văn bản chính thức, chưa làm việc với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với tư cách người đại diện cho bà Trần Uyên Phương, đơn vị xác định sẽ hợp tác toàn diện với các cơ quan điều tra để sớm làm rõ sự việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Phía đại diện của bà Trần Uyên Phương cho rằng theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xác minh, làm rõ các thông tin để giải quyết đơn tố cáo.

“Đó là việc bình thường và không thể suy diễn khi cơ quan điều tra làm rõ thông tin về bà Phương đồng nghĩa với việc bà Phương vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc các tố cáo là đúng. Người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm nếu các tố cáo của mình là sai”, phía đại diện bà Phương cho hay.

Về nội dung tố cáo của các đương sự mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang thụ lý xác minh, cho rằng có việc “cho vay nặng lãi” và “chiếm đoạt tài sản” thông qua các hợp đồng giả cách, cho đến nay, đơn vị chỉ biết được có các tố cáo đó qua báo chí và không được biết chi tiết về nội dung tố cáo.

“Chúng tôi khẳng định các giao dịch bà Trần Uyên Phương đã thực hiện không phải là giả cách, hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động đề xuất của đối tác. Một hợp đồng được ký tự nguyện, hợp pháp, được thực hiện trên thực tế thì không thể coi là giả cách.

Các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí còn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, không bị cưỡng ép phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bên bán tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua thông qua hợp đồng chuyển nhượng, nhận đủ tiền, chuyển giao tài sản trên thực tế cho bên mua thì không thể nói là bên mua ‘chiếm đoạt tài sản’, thông tin tư văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam nêu.

Cũng theo phía đại diện, nếu các bên không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình trong giao dịch, sẵn sàng phủ nhận những gì mình ký thì bất cứ giao dịch nào cũng có thể bị suy diễn thành giả cách.

“Theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét. Chúng tôi luôn coi trọng việc bảo mật các thông tin với các đối tác nên không thể vội vàng giải thích, công bố các tình tiết trong các giao dịch giữa các bên. Chúng tôi cũng lưu ý, các sự việc trên không liên quan đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát”, đại diện của bà Trần Uyên Phương khẳng định.

Tin mới lên