Tài chính

'Đại gia' ngành bán lẻ loay hoay với chiến lược mới

(VNF) - Việc MWG vận hành chuỗi Điện thoại siêu rẻ có thể bào mòn chính doanh thu của chuỗi Thế giới di động, tương tự những gì đang xảy ra ở một "đại gia" ngành bán lẻ khác là PNJ.

'Đại gia' ngành bán lẻ loay hoay với chiến lược mới

'Đại gia' ngành bán lẻ loay hoay với chiến lược mới

Vài ngày gần đây, thị trường rộ lên thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Dộng (MWG) sắp tới sẽ cho ra mắt hệ thống bán lẻ mới mang tên "Điện Thoại Siêu Rẻ" với cửa hàng đầu tiên nằm tại quận Gò Vấp, TP. HCM.

Một banner trong cửa hàng đầu tiên này tóm gọn lại sự khác biệt so với các cửa hàng khác cũng như so với chính chuỗi cửa hàng chuyên bán điện thoại Thế giới di động của MWG: hàng nhập mua từ Thế giới di động; cam kết giá siêu rẻ; khách hàng kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán; hàng mua rồi miễn đổi trả; bảo hành tại các trung tâm bảo hành của hãng.

Chuỗi cửa hàng mới này dự kiến sẽ tiết giảm chi phí triệt để (chi phí mặt bằng, chi phí nội thất, chi phí nhân viên...) nhằm giảm tối đa giá bán sản phẩm, đồng thời nhiều khả năng sẽ chỉ bán các dòng sản phẩm cấp trung trở xuống.

Động thái đầy bất ngờ của MWG diễn ra trong bối cảnh doanh thu của chuỗi Thế giới di động gần đây có xu hướng giảm sút, phần vì thị trường bán lẻ điện thoại dần bão hòa, phần vì nhiều cửa hàng Thế giới di động được "hoán cải" trở thành cửa hàng Điện máy Xanh/Điện máy Xanh mini.

Việc "hoán cải" này mặc dù giúp MWG tối đa hóa doanh số nhưng cũng đặt các sản phẩm điện thoại "lọt thỏm" giữa vô vàn sản phẩm điện máy, trong khi điện thoại là đồ dùng cho cá nhân, còn các sản phẩm điện máy là đồ dùng cho gia đình.

Với sự mờ nhạt và phần nào là thiếu đồng bộ này, MWG đang gián tiếp nhường thị trường cho các cửa hàng điện thoại chuyên doanh. Đây có lẽ cũng là lý do "đại gia" ngành bán lẻ này phải mở một chuỗi cửa hàng điện thoại mới nhằm lấp một phần khoảng trống để lại, đồng thời tiếp cận các nhóm khách hàng mới.

Trong một diễn biến gần đây, MWG cũng thay đổi chiến lược bán hàng online, khiến doanh số bán hàng online sa sút.

Cụ thể, kể từ tháng 5/2019, công ty đã cắt giảm khuyến mãi trên kênh online để hướng đến chính sách giá online và offline đồng nhất hơn.

Ban lãnh đạo MWG kỳ vọng rằng, việc điều chỉnh chính sách sẽ cho phép công ty khai thác hiệu quả hơn nền tảng bán hàng đa kênh của mình, vì nền tảng online khi đó sẽ tập trung phục vụ khách hàng tìm sự tiện lợi và chất lượng dịch vụ hơn là giá rẻ.

Theo phía MWG, việc điều chỉnh chính sách giá online tính đến thời điểm này vẫn chưa ảnh hưởng đến tổng doanh số của công ty, vì những khách hàng trước đây mua online nhờ giá rẻ bây giờ chuyển sang mua trực tiếp (offline) tại các cửa hàng.

Sự xoay trục chiến lược này thoạt nhìn có phần "ngược đời" giữa làn sóng phát triển thương mại điện tử đang diễn ra rất sôi động, nhưng ở một góc nhìn khác, có thể phần nào hiểu được động thái này là nhằm tăng lượt mua offline trong bối cảnh doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới di động suy giảm, đồng thời dọn đường cho chuỗi Điện thoại siêu rẻ bởi kênh online trước đây cũng là kênh giá rẻ.

Tuy nhiên, việc vận hành chuỗi Điện thoại siêu rẻ sẽ phải đối diện với một bài toán hóc búa khác: chính chuỗi này có thể bào mòn doanh thu của chuỗi Thế giới di động, gây ra tình trạng "gà nhà đá nhau".

Một banner trong cửa hàng Điện thoại siêu rẻ của MWG. Ảnh: Techrum

Thực tế, tình huống này đang xảy ra ở một "đại gia" ngành bán lẻ khác là Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra gần đây, ban lãnh đạo PNJ cho biết các cửa hàng mới mở, đặc biệt là PNJ Next - chuỗi cửa hàng flagship tập trung vào phân khúc cao cấp, đang ăn mòn doanh thu của các cửa hàng đang hoạt động tốt nhất trong cùng khu vực.

Cụ thể, doanh thu hàng tháng của PNJ Next đạt 10-20 tỷ đồng (gấp khoảng 7 lần cửa hàng trang sức tiêu chuẩn của PNJ).

Để khắc phục vấn đề trên, phía PNJ đang xem xét nâng cấp các cửa hàng tiêu chuẩn lên PNJ Next để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Bên cạnh vấn đề chồng chéo khách hàng giữa các chuỗi cửa hàng, PNJ cũng đang phải đối diện không ít khó khăn khi vận hành hệ thống ERP mới - nhằm hiện đại hóa hệ thống bán lẻ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của PNJ đã sụt giảm trong tháng 4 và tháng 5 do gián đoạn sản xuất khi triển khai hệ thống ERP mới, đặc biệt là đối với các đơn đặt hàng riêng.

Điều này là do đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm sử dụng hệ thống ERP mới, dẫn đến các vấn đề tích hợp dữ liệu và sau đó tác động tiêu cực đến dây chuyền sản xuất. Hiện PNJ đang lên kế hoạch đào tạo lại đội ngũ bán hàng và điều chỉnh KPI để thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm sẵn có.

Tin mới lên