Thị trường

Đại gia Thái muốn tăng vốn, lùi tiến độ dự án lọc dầu tỷ đô

Nhà đầu tư Thái Lan đề xuất tăng vốn đầu tư dự án Lọc hoá dầu Long Sơn thêm 1,4 tỷ USD, lên mức 5,1 tỷ USD và điều chỉnh công nghệ, công suất dự án.

Đại gia Thái muốn tăng vốn, lùi tiến độ dự án lọc dầu tỷ đô

Phối cảnh dự án lọc dầu Long Sơn.

Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đề xuất Thủ tướng tăng tổng vốn đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam lên 5,15 tỷ USD (khoảng 118.323 tỷ đồng), trong đó vốn góp gần 2,1 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư. Việc tăng vốn, theo nhà đầu tư, để "tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế thông qua điều chỉnh công nghệ, công suất dự án". 

Trong báo cáo thẩm định về đề xuất này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ủng hộ và kiến nghị Thủ tướng thông qua điều chỉnh. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng vốn lần này thấp hơn mức 5,4 tỷ USD Bộ Công Thương thông qua vào năm 2018. Do đó, đánh giá đề nghị "có cơ sở" nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giám sát chặt quá trình làm dự án, cũng như kiểm tra, giám sát hợp đồng vay, số vốn vay thực tế và các chi phí thực hiện.

Dự án Lọc dầu Long Sơn đầu tư từ năm 2008, nhưng sau 11 năm đã thay đổi nhiều lần nhà đầu tư và trải qua 5 lần điều chỉnh dự án. Sau sự thoái lui của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí (PVN), dự án lọc hoá dầu tỷ đô này hiện thuộc về 2 nhà đầu tư Thái Lan là Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG) và Thai Plastic & Chemicals Public Company Limited (TPC). Đến tháng 7 năm nay, dự án mới đạt khoảng 20% tiến độ sau 11 năm triển khai.

Liên danh đầu tư VSGC và TPC dự kiến vay 60% tổng vốn đầu tư, khoảng 3,1 tỷ USD. Đến nay, LSP - đại diện cho liên danh đầu tư đã ký hợp đồng vay vốn của 6 ngân hàng Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, giá trị gần 3,3 tỷ USD. Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, nếu được Thủ tướng chấp thuận, Sở Kế hoạch & Đầu tư Bà Rịa Vũng Tàu cần rà soát, làm rõ vốn đầu tư dự án, đặc biệt là phần vốn góp của nhà đầu tư.

Cũng tại văn bản gửi các bộ, ngành, các nhà đầu tư Thái Lan đề nghị thay đổi cơ cấu vốn góp với tỷ lệ VSCG góp 94,63% và TPC bỏ 5,37% đến năm 2020.

 Cơ cấu vốn góp thay đổi khá lớn so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần thứ 5 vào tháng 7/2018, là VSCG góp 82% và 18% từ TPC. Việc thay đổi do TPC không góp thêm vốn sau khi LSP tăng vốn điều lệ vào cuối năm 2018. 

Tuy nhiên, ngay phần vốn góp thực tế, cả 2 nhà đầu tư Thái Lan cũng chưa đảm bảo đúng tiến độ. Đến cuối tháng 6, số tiền góp vào dự án này của các nhà đầu tư là 800 triệu USD, khoản cần góp theo cam kết còn gần 1,3 tỷ USD. Trong khi tình hình tài chính của VSCG và TPC vào cuối năm 2018 không mấy khả quan, khi các khoản đầu tư tài sản dài hạn đã vượt vốn chủ sở hữu. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, trường hợp có sự cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ - The Siam Cement Public Company Ltd. tại dự án thì VSCG và TPC đủ khả năng tài chính nhưng nhà đầu tư phải góp đủ vốn thực hiện.

Ngoài ra, nhà đầu tư Thái Lan cũng xin lùi thời gian vận hành thương mại dự án lọc hoá dầu tỷ đô này đến tháng 12/2022, chậm 3 năm so với kế hoạch ban đầu. Lý do là việc thoái vốn của các nhà đầu tư trước đây là Vianchem, PVN mất nhiều thời gian và gặp vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tổng diện tích 464 ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu) dự kiến tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại. Tổ hợp này cũng sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia khoảng 115 triệu đôla mỗi năm (khoảng 2.500 tỷ đồng) trong suốt 30 năm từ khi hoạt động.

Tin mới lên