Thị trường

Đại gia thủy sản Tòng "Thiên Mã" vào tù để lại món nợ khủng 891 tỷ đồng

(VNF) - Theo các cơ quan chức năng, so với tổng tài sản ước khoảng gần 180 tỷ đồng thì nợ của Công ty Thiên Mã cao gấp 5 lần tổng tài sản.

Đại gia thủy sản Tòng "Thiên Mã" vào tù để lại món nợ khủng 891 tỷ đồng

Đại gia Tòng "Thiên Mã" một thời đình đám ở miền Tây

Chiều ngày 23/5, cơ quan chức năng của thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp báo công bố chính thức số nợ của Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã (Công ty Thiên Mã), do đại gia thủy sản Phan Bá Tòng (thường gọi là Tòng "Thiên Mã" ), làm giám đốc.

Tính đến ngày 20/5, số nợ chính thức được xác nhận là 891 tỷ đồng. So với tổng tài sản ước khoảng gần 180 tỷ đồng thì nợ của Công ty Thiên Mã cao gấp 5 lần tổng tài sản.

Chủ nợ lớn nhất là 02 Ngân hàng và Công ty mua bán nợ; trong đó nợ Ngân hàng phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang là 516 tỷ đồng; nợ mua vật tư của các đối tác chưa thanh toán 95 tỷ đồng, nợ tiền mua cá của 28 hộ nuôi cá tra 16,6 tỷ đồng; nợ các cá nhân khác 5,4 tỷ đồng; nợ lương công nhân lao động 1,6 tỷ đồng; nợ tiền điện 570 triệu đồng và nợ tiền nước là 48 triệu đồng.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý KCX và CN Cần Thơ - Tổ Trưởng tổ công tác tại Công ty Thiên Mã, chủ trì buổi họp báo cho biết trong thời gian tổ công tác làm việc, đã yêu cầu, người ủy quyền là bà Trần Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Công ty Thiên Mã (vợ của ông Phan Bá Tòng), rút tiền từ tài khoản Ngân hàng Tiên Phong Cần Thơ 350 triệu đồng chi trả bớt một phần nợ lương công nhân, góp phần giải tỏa bức xúc đối với công nhân lao động.

Hiện tổ công tác tiếp tục đề nghị bà Yến rút 27.000 USD từ Công ty Hiệp Long (Công ty thành viên) để ưu tiên thanh toán nợ lương công nhân.

Công ty Thiên Mã hiện có 400 công nhân lao động, nhiều tháng nay chỉ làm gia công chế biến cá tra xuất khẩu cho Công ty thủy sản Miền Nam. Tuy nhiên, nhiều khả năng công ty cũng không ký được hợp đồng gia công nữa, do đã bị ngành thuế phong mã số thuế, không thể xuất được hóa đơn, nếu tiếp tục được gia công sẽ phát sinh nợ khó giải quyết.

Vì thế, để đảm bảo việc làm cho công nhân lao động, Tổ công tác đang đề nghị lãnh đạo thành phố Cần Thơ cho đối tác vào thuê nhà máy của Thiên Mã, đưa nhà máy vào hoạt động trở lại để đảm nhận giải quyết việc làm cho 100% công nhân lao động, đồng thời có trách nhiệm thanh toán các chi phí phát sinh từ ngày vận hành.

Còn việc xử lý nợ như thế nào, các chủ nợ, đặc biệt là các ngân hàng và Công ty mua bán nợ phải vào cuộc.

Phan Bá Tòng 42 tuổi, quê ở Cà Mau. Năm 2005, Tòng cho thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sảnThiên Mã, vốn điều lệ 70 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ.

Thời gian đầu làm ăn thuận lợi, Tòng "Thiên Mã" xây dựng ba nhà máy chế biến thủy sản, kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên đến 50 triệu USD. Lúc cao điểm, ba nhà máy của công ty này có đến 3.500 công nhân với tổng công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu/ngày.

Từ năm 2009 trở đi thì việc làm ăn chững lại. Đến năm 2011, Công ty Thiên Mã đã nợ năm ngân hàng với số tiền 430 tỷ đồng (nợ gốc) và nợ nhiều người bên ngoài hơn 50 tỷ đồng, vì vậy ba nhà máy ngưng hoạt động.

Khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ông Tòng có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền nhà nước khi làm nhiều hợp đồng xuất khẩu khống và đem đi thế chấp vay tiền các ngân hàng.

Liên quan đến sai phạm nêu trên, ngày 31.3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Cần Thơ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can; bắt, khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Mã và bà Trần Thị Diễm (46 tuổi, Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã), để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Diễm được xác định là đồng phạm giúp sức tích cực của Tòng trong vụ án này.

Tin mới lên