Tài chính

'Đại hạ giá' cổ phiếu TPBank, SeABank, Mobifone liệu có thoái vốn thành công?

(VNF) - Tổng Công ty Viễn thông Mobifone vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và 33,4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SEABank) ngày 7/2/2018 tới với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường OTC.

'Đại hạ giá' cổ phiếu TPBank, SeABank, Mobifone liệu có thoái vốn thành công?

Cụ thể, vào 8h30’ ngày 7/2/2018, MobiFone sẽ bán đấu giá toàn bộ hơn 33,4 triệu cổ phần, tương ứng 6,11% vốn điều lệ tại SeABank. Nếu đấu giá thành công MobiFone sẽ không còn là cổ đông của SeABank. Cùng ngày, MobiFone cũng sẽ bán đấu giá hơn 5,5 triệu cổ phần, chiếm 1% vốn điều lệ tại TPBank, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu tại TPBank xuống còn 4,76%.

Bán rẻ... nửa giá

Theo ghi nhận, mức giá khởi điểm chào bán cổ phiếu TPBank 12.800 đồng/cổ phiếu được MobiFone đưa ra là quá thấp so với giá thị trường. Cụ thể, trên thị trường OTC, cổ phiếu TPBank hiện đang có giá mua từ 27.000 đồng - 29.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm mà Mobifone đưa ra. Nguyên nhân khiến cổ phiếu TPBank tăng mạnh trên thị trường OTC là vì thời gian gần đây, làn sóng tăng mạnh của nhóm cổ phiếu "vua" khiến giới đầu tư háo hức tìm kiếm các nhà băng chuẩn bị niêm yết.

Việc TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu HoSE vào ngày 29/12/2017 vừa qua càng tác động tăng giá mạnh với cổ phiếu TPBank trên thị trường OTC.

Đặc biệt, năm 2017, TPBank cũng ghi nhận lợi nhuận 1.205 tỷ đồng, vượt 55,6% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 70,5% so với năm 2016 nên cổ phiếu nhà băng này được dựa báo sẽ tăng mạnh ngay khi chính thức chào sàn.

Chính vì vậy, việc Mobifone đưa ra mức giá đấu giá cổ phiếu TPBank chưa bằng 50% giá trị giao dịch trên thị trường OTC khiến nhiều nhà đầu tư phải suy nghĩ. Được biết, ước tính theo giá thị trường OTC, giá trị lượng cổ phần TPBank của Mobifone khoảng 160 tỷ đồng.

Không chỉ có cổ phiếu TPBank, cũng trong cùng ngày 7/2/2018, Mobifone cũng sẽ bán đấu giá 33,4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với giá khởi điểm là 9.600 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, cổ phiếu SeaBank trên thị trường OTC cũng có người mua ở mức 13.500 đồng - 14.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn khá nhiều so với mức khởi điểm của Mobifone.

Với mức giá này, cổ phần SeABank của Mobifone được định giá thấp nhất vào khoảng gần 451 tỷ đồng.

"Ám ảnh" vì từng bị ế?

Năm 2016 (ngày 25/4/2016), MobiFone đăng ký bán ra 14.285.714 cổ phần của Tpbank (tương đương 2,57% vốn), với mức giá khởi điểm 8.900 đồng/cổ phần và 33.422.937 cổ phần của SeaBank (tương đương 6,12% vốn), với mức giá khởi điểm 9.600 đồng/cổ phần.

Nếu buổi đấu giá thành công, MobiFone sẽ gần như không còn sở hữu SeABank. Riêng với TPbank, MobiFone hiện vẫn nắm 4,76% cổ phần nên vẫn sẽ là cổ đông của ngân hàng này.

Tuy nhiên, kết quả của đợt đấu giá trên đã không thành công. Mặc dù đưa ra giá khởi điểm chỉ 8.900 đồng/cổ phiếu, nghĩa là thấp hơn mệnh giá, nhưng cổ phần TPBank vẫn "ế" gần 40%.

Đối với 33,4 triệu cổ phần của MobiFone tại SeABank, mặc dù cũng được chào bán với mức giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá (9.600 đồng/cổ phiếu) nhưng hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.

Theo lý giải của lãnh đạo nhà mạng này, do thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết còn thấp nên chưa thoái vốn được cổ phần tại SeABank và một phần vốn còn lại tại TPBank. Kế hoạch thoái toàn bộ số vốn này được lãnh đạo Mobifone "quyết tâm" sẽ được thực hiện trong năm 2017.

Dù vậy, trong năm 2017, phía Mobifone cũng không thực hiện được kế hoạch thoái vốn khỏi 2 nhà băng này.

Tin mới lên