Thị trường

Đại học Quốc Gia TP. HCM thành lập viện kinh tế tuần hoàn

(VNF) - Sáng nay 2/7, tại TP. HCM, Đại học Quốc gia TP. HCM đã tổ chức lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) và ký kết hợp tác với các bộ, ngành và các doanh nghiệp. 

Đại học Quốc Gia TP. HCM thành lập viện kinh tế tuần hoàn

ĐH Quốc Gia TP.HCM thành lập viện kinh tế tuần hoàn

Ban điều hành Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) được thành lập dựa trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp.

Viện này ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chú trọng về giải pháp khoa học - công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái doanh nghiệp - Chính phủ - đại học.

Theo Quyết định số 108/QĐ-ĐHQG ngày 27/2/2020 về việc thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn trực thuộc Đại học Quốc Gia TP. HCM, ICED ra đời nhằm góp phần thúc đẩy sự chuyển mình của đất nước từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn trên cơ sở cung cấp các kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc Gia TP. HCM, thông qua ICED, Đại học Quốc Gia TP. HCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam. Về trung và dài hạn, ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về Kinh tế tuần hoàn trên cơ sở trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cho các bên liên quan.

Ban điều hành ICED cũng được thành lập dựa trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân được bổ nhiệm là Viện trưởng của Viện. Ông Phạm Phú Trường, Tổng Giám đốc GIBC kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. HCM, thành viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Viện trưởng ICED.

Ban cố vấn của viện gồm PGS. TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc Gia TP. HCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch GIBC và ông Philipp Rösler – Nguyên Phó thủ tướng Đức.

ICED cũng ký kết hợp tác với Tập đoàn Nutifood, Tập đoàn VinaCapital, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM – UBND TP. HCM và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. ICED được Quỹ VCF thuộc VinaCapital và Tập đoàn Nutifood bảo trợ về mặt kinh phí hoạt động, cũng như sự hỗ trợ vận hành và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại chỉ dựa trên nền tảng Lấy (Take) - Tạo ra (Make) - Vứt bỏ (Disposal) đã khiến mọi người đang đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên hữu hạn đang cạn kiệt, môi trường tự nhiên đang bị phá huỷ bởi lượng rác thải khổng lồ và mất hàng trăm năm mới tiêu huỷ hoàn toàn, sức khoẻ con người đang bị đe doạ do môi trường sống như nguồn nước, không khí… bị xuống cấp trầm trọng.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, mô hình kinh tế tuần hoàn ra đời dựa trên nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng  tái sử dụng, tân trang, tái tạo và tái chế. Đây sẽ là giải pháp cho mô hình phát triển bền vững. Các nước thuộc khối châu Âu đã đi trước khá lâu về việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và đã đạt được kết quá rất tốt về kinh tế, môi trường và xã hội.

Tin mới lên