Tài chính quốc tế

Đại học Yale: ‘Nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ’

(VNF) - Đó là nhận định của các nhà kinh tế từ Đại học Yale của Mỹ trong báo cáo dài 118 trang vừa được công bố mới đây. Báo cáo cho rằng nền kinh tế Nga đang chịu thiệt hại lớn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, bất chấp những nỗ lực giảm nhẹ tác động của Moscow.

Đại học Yale: ‘Nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ’

Phương Tây đã giáng loạt đòn trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Báo cáo dựa trên nghiên cứu sử dụng dữ liệu người tiêu dùng và số liệu từ các đối tác thương mại và vận chuyển quốc tế của Nga nhằm “đo lường” hoạt động kinh tế của Nga trong 5 tháng, từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nền kinh tế bị tê liệt

Báo cáo cho thấy mặc dù Moscow thu được lợi nhuận lớn từ việc xuất khẩu năng lượng với giá cao, nhiều hoạt động kinh tế trong nước của Nga đã bị đình trệ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Thậm chí báo cáo nhận định rằng: “Nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ”.

Trong báo cáo, họ nhận thấy rằng việc xuất khẩu hàng hóa của Nga đã “bị xói mòn” và không thể phục hồi do đã buộc phải chuyển từ các thị trường chính ở châu Âu sang châu Á.

Báo cáo cũng cho rằng những lệnh trừng phạt đã khiến Nga gặp khó trong việc nhập khẩu, do đó, phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc đảm bảo các nguyên liệu đầu vào, máy móc và công nghệ quan trọng.

“Sản xuất nội địa của Nga đã đình trệ hoàn toàn và không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài đã mất”, báo cáo của Yale nhận định.

Các nhà kinh tế cũng nhấn mạnh rằng với việc khoảng 1.000 công ty toàn cầu rút khỏi nước này, Nga đã mất đi các công ty chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội. Khoảng 5 triệu việc làm bị ảnh hưởng. Sản lượng công nghiệp sụt giảm, doanh số bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng của Nga đã giảm với tốc độ 15-20% mỗi năm.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng ngân sách chính phủ Nga đã bị thâm hụt lần đầu tiên và tài chính của Điện Kremlin "đang ở trong tình trạng eo hẹp hơn nhiều so với cách hiểu thông thường".

Các tác giả cũng cho biết thị trường tài chính Nga, với triển vọng tương lai, hoạt động kém nhất trên thế giới, hạn chế khả năng khai thác đầu tư mới để phục hồi nền kinh tế.

Thống kê 'Cherry-Pick'

Do Nga ngừng công bố số liệu thống kê kinh tế chính thức, trong đó có các chỉ số thương mại quan trọng, nhóm nghiên cứu đã khai thác dữ liệu từ các công ty, ngân hàng, tổ chức tư vấn, đối tác thương mại của Nga và những đơn vị khác để xây dựng bức tranh về hoạt động kinh tế Nga.

Nghiên cứu cho biết kể từ khi chiến sự tại Ukraine diễn ra, các dữ liệu kinh tế được công bố của Điện Kremlin ngày càng được chọn lọc nhằm loại bỏ các chỉ số bất lợi và chỉ công bố những chỉ số thuận lợi.

Họ cho hay đã thu được nhiều dữ liệu chưa công bố từ các chuyên gia về kinh tế Nga, đồng thời sử dụng dữ liệu từ ngôn ngữ khác để chứng minh cho kết luận của mình.

Các số liệu mới về sản xuất công nghiệp của Nga trong tháng 6 cho thấy nó đã sụt giảm đáng kể trên một loạt các lĩnh vực so với năm ngoái. Đối với ô tô, sản lượng giảm 89%, trong khi đối với cáp quang giảm gần 80%.

Kinh tế Nga sẽ đi về đâu?

Các tác giả của nghiên cứu Yale cho rằng Nga không có con đường thoát khỏi "sự lãng quên kinh tế", với điều kiện các đồng minh phương Tây phải thống nhất về các biện pháp trừng phạt.

Một nghiên cứu riêng biệt của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức được công bố vào tháng 6 cho thấy nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng, mặc dù ban đầu đã ổn định tốt khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.

"Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt chỉ mới bắt đầu bộc lộ. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang gia tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng. Về lâu dài, nền kinh tế Nga sẽ trở nên thô sơ hơn khi nó tách rời một phần khỏi thương mại quốc tế, nghiên cứu của Đại học Yale cho hay.

Các chuyên gia khẳng định: "Nga phụ thuộc vào châu Âu nhiều hơn châu Âu phụ thuộc vào Nga". Theo họ, việc 83% lượng xuất khẩu năng lượng của Nga là bán cho châu Âu khiến nước này đứng trước mối đe dọa về trung hạn nhiều hơn các khách hàng của mình.

"Để tránh căng thẳng xã hội, chính phủ Nga sẽ can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp, điều này dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn và dấu chân của nhà nước lớn hơn trong nền kinh tế”, các chuyên gia nhận định thêm.

Xem thêm >> OPEC nói thị trường dầu mỏ ‘hỗn loạn’, tuyên bố không cạnh tranh xuất khẩu với Nga

Tin mới lên