Ngân hàng

Đại hội đồng cổ đông vì ai?

Trước câu hỏi này, nhiều người sẽ trả lời ngay rằng đại hội đồng cổ đông tất nhiên phải vì tất cả cổ đông của doanh nghiệp, nơi họ đã góp vốn vào làm ăn và được "định nghĩa" là người chủ đích thực. Thế nhưng, nhìn lại cách thức đại hội đồng cổ đông của một ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm qua, có thể thấy không phải là như vậy.

Đại hội đồng cổ đông vì ai?

Đại hội cổ đông bất thường 2016 của Ngân hàng BIDV

Chỉ còn hơn hai tháng là hết năm 2016 nhưng hội đồng quản trị của ngân hàng nói trên vẫn nợ cổ đông việc tổ chức đại hội. Đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng đã diễn ra ba lần và đều không thành bởi những lý do hết sức khó hiểu với các cổ đông nhỏ lẻ, những người từ mấy năm qua không những không nhận được một đồng cổ tức nào mà còn gần như không biết sự thật nào đang diễn ra trong ngân hàng. Ai đang tung hứng quyền lực ở một ngân hàng niêm yết với hàng ngàn cổ đông và tại sao họ có thể tự tung tự tác đến thế?

Những tin đồn về ngân hàng này lan tỏa trên thị trường hơn hai năm qua, kèm theo sự sụt giảm giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh bê bết, đội ngũ điều hành thay đổi "xoành xoạch". Nhưng ở vị trí các cổ đông nhỏ lẻ, họ vẫn chỉ biết thông tin chủ yếu qua tin đồn.

Theo điều lệ của ngân hàng này, điều kiện đầu tiên để tiến hành họp đại hội đồng cổ đông khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% trong tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Và ai đó đã khéo léo tận dụng quy định này, cuộc họp đại hội đồng cổ đông của ngân hàng lần đầu tiên vào cuối tháng 4 đã không đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết được đăng ký.

Cũng theo điều lệ ngân hàng, trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức họp đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất.

Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai sau đó lại không thành vì cãi lộn từ đầu đến cuối buổi họp và mọi người ra về sau 5 tiếng mà chưa nội dung nào trong chương trình đại hội được giải quyết.

Theo điều lệ ngân hàng, trường hợp cuộc họp lần thứ hai không được tiến hành do không có đủ số đại biểu cần thiết theo quy định thì đại hội đồng cổ đông lần thứ ba có thể được triệu tập trong vòng 20 ngày kể từ ngày dự định tiến hành đại hội lần hai. Và trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự và được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả vấn đề mà đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất có thể phê chuẩn.

Nhưng trớ trêu thay, đại hội đồng cổ đông lần ba tuy ban đầu được hội đồng quản trị công bố sẽ diễn ra đầu tháng 8 (quá thời hạn 20 ngày rất xa) cuối cùng đến phút chót đã bị hoãn vô thời hạn với lý do có yêu cầu kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Khoan nói đến những gì về ngân hàng có thể bị nhóm cổ đông lớn nào đó che giấu và thao túng, các quy định về công khai minh mạch với hoạt động của một doanh nghiệp niêm yết cũng không được tuân thủ và tôn trọng.

Ví dụ, ngay từ đầu mùa đại hội đồng cổ đông năm 2016, ngày 15-3-2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn 1183 gửi các công ty đại chúng về một số vấn đề lưu ý khi tổ chức đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2016. Trong công văn có nhắc nhở các công ty niêm yết phải gửi thông báo mời họp đại hội đồng cổ đông đến tất cả cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp nêu trên và công bố thông tin chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc đại hội theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Nhưng ngân hàng cũng không tuân thủ quy định này.

Trong khi đó, khi vấn đề nhân sự cấp cao của ngân hàng vẫn chưa đi đến những thỏa hiệp và lình xình giữa các tin đồn thì tình hình kinh doanh của ngân hàng liên tục đi xuống, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, thành viên ban điều hành thay đổi liên tục và đại hội đồng cổ đông với vô vàn khúc mắc vẫn chưa diễn ra lần thứ ba mặc dù đã quá thời hạn quy định trong điều lệ của ngân hàng và các quy định liên quan. Cổ đông nhỏ lẻ, sau những bơ vơ không nơi bấu víu một lần nữa lại rơi vào cảnh bất lực và vô vọng.

Bình luận về việc này, một người làm lâu năm trong ngành tài chính nói: "Việc này nếu xảy ra ở các thị trường chứng khoán phát triển như Singapore hay Nhật thì chắc chắn người gây ra sự thiếu minh bạch đã bị chế tài nghiêm khắc, bởi các cơ quan giám sát theo dõi rất gắt gao sự tuân thủ và minh bạch của các công ty. Thậm chí, họ sẽ xem xét và xử lý vi phạm, yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát phải đền bù nếu gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẻ".

Trong trường hợp ngân hàng này, chuyện hội đồng quản trị lờ đi quyền của các cổ đông nhỏ lẻ đã đành, mà cũng không thấy vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan. Một câu hỏi lớn đang đặt ra là vai trò của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính ở đâu trong việc giám sát một ngân hàng đại chúng lớn hàng đầu thị trường?

Tin mới lên