Tài chính quốc tế

Dân Qatar giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân 146 ngàn USD/người

(VNF) - Với GDP bình quân đầu người đạt 146.011 USD, Qatar đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia giàu nhất thế giới theo đánh giá của tạp chí Global Finance Magazine.

Dân Qatar giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân 146 ngàn USD/người

Dựa trên các dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Global Finance Magazine mới đây đã đưa ra danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người (quy đổi theo ngang giá sức mua - PPP).

Theo bảng xếp hạng này thì những nước nhỏ vẫn tiếp tục thống trị danh sách. Trong đó có 12 trong tổng số 25 quốc gia, vùng lãnh thổ giàu có nhất là ở châu Âu. 

Dưới đây là top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người (theo ngang giá sức mua) do Global Finance Magazine thống kê và bình chọn.

1. Qatar - GDP bình quân đầu người: 146.011 USD

Yếu tố thúc đẩy kinh tế nước này phát triển trong năm qua là do đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho World Cup 2022. Ngoài ra, dầu mỏ cũng là hòn đá tảng của nền kinh tế Qatar, chiếm trên 70% tổng thu ngân sách của chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội, và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu. Là một nước phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu khí đốt, Qatar ít chịu tác động hơn trước sự giảm giá mạnh của dầu thô. Nhờ vậy, nước này tiếp tục đứng đầu danh sách những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Qatar là nước giàu nhất trong thế giới Hồi giáo hiện nay.

2. Luxembourg - GDP bình quân đầu người: 94.167 USD

Luxembourg có mức độ phồn thịnh về kinh tế độc nhất trong số các nước công nghiệp theo chế độ dân chủ. Với ngành dịch vụ tài chính phát triển mạnh mẽ, kinh tế Luxembourg giàu có và ổn định, mức nợ công thấp và hệ thống pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc siết chặt các quy chế kiểm soát ngành ngân hàng ở châu Âu và trên thế giới ít nhiều báo hiệu sự bất ổn trong thời gian tới.

3. Singapore – GDP bình quân đầu người: 84.821 USD

Singgapore có môi trường kinh doanh mở, tham nhũng thấp, minh bạch tài chính cao, giá cả ổn định, và là một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Dù vậy, sau 50 năm lập quốc, Singapore đang đối diện với những khó khăn như tăng trưởng kinh tế chậm lại, dân số lão hóa.

4. Brunei - GDP bình quân đầu người: 80.335 USD

Với nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, Vương quốc Hồi giáo này đã trở thành một trong những nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và là đất nước này giàu thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có chiều hướng suy giảm do tài nguyên cạn kiệt dần và giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua. Do đó, Chính phủ nước này đang thúc đẩy đa dạng hoá nền kinh tế và hy vọng thành lập thị trường giao dịch chứng khoán mới vào năm 2017 để tăng cường sức mạnh cho thị trường vốn của nước này.

5. Kuwait - GDP bình quân đầu người: 71.600 USD

Kuwait là một quốc gia Trung Đông với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, 85% dân số là người Hồi giáo. Giá dầu thấp đang là mối đe doạ đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu dầu khí này. Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm của chính phủ, tăng vốn đầu tư cơ bản và cải cách tài khoá đang đảm bảo cho nền kinh tế Kuwait tiếp tục tăng trưởng ở những lĩnh vực phi dầu mỏ. Kuwait không áp dụng các loại thuế đánh vào doanh thu cá nhân, doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

6. Na Uy - GDP bình quân đầu người: 67.619 USD

Đất nước này giàu có lên nhờ dầu mỏ khi là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 7 thế giới. Năm 2014, khi giá dầu khí tăng vọt, theo lý thuyết, tất cả mọi người dân nước này trở thành triệu phú. Đây cũng là cột mốc quan trọng khi Na Uy sở hữu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu thời gian gần đây đã đặt ra thách thức đối với nền kinh tế này. Na Uy đang đối mặt với môi trường bất ổn hơn so với thời gian dài trước đây. 

7. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - GDP bình quân đầu người: 67.201 USD

Trong số các quốc gia cùng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, Các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE) đang đi đầu trong việc nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Đến nay, lĩnh vực phi dầu mỏ chiếm tới 69% GDP của UAE trong khi đóng góp của ngành dầu mỏ giảm xuống gần 1/3 GDP. Sự bùng nổ của các công trình xây dựng, sự mở rộng các cơ sở chế tạo, sản xuất và ngành dịch vụ đang phát triển mạnh giúp cho UAE đa dạng hoá nền kinh tế đất nước. 

8. Hồng Kông - GDP bình quân đầu người: 57.676 USD

Sở hữu vị thế cửa ngõ "có 1 không 2", Hồng Kông còn có một hệ thống pháp lý mạnh và thị trường tài chính đẳng cấp hàng đầu thế giới. Hồng Kông cũng là một thị trường đáng tin cậy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo thường niên của Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD), đặc khu kinh tế Hồng Kông trở thành nền kinh tế có tính trạnh canh cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, vượt Singapore và Thụy Sỹ.

9. Mỹ - GDP bình quân đầu người: 57.045 USD

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất và đa dạng nhất trong top 10 nước có mức thu nhập bình quân đầu người (theo ngang giá sức mua) cao nhất thế giới. Nền kinh tế này cũng đang phục hồi sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

10. Thụy Sỹ - GDP bình quân đầu người: 56.851 USD

Kinh tế Thụy Sỹ là một trong những nền kinh tế ổn định nhất trên thế giới. Chính sách an ninh tiền tệ và giữ kín bí mật ở ngân hàng làm cho Thụy Sỹ trở thành một địa điểm an toàn cho các nhà đầu tư. Do đất nước có diện tích nhỏ và chuyên môn hóa cao trong lao động, nên ngành công nghiệp và thương mại là các nhân tố chìa cho nền kinh tế Thụy Sỹ.

Tin mới lên