Thị trường

Đằng sau chuyện đưa 6.000 thực tập sinh sang Nhật

(VNF) - Mỗi năm, Tập đoàn CEO phái cử được 1.000 lao động sang Nhật Bản. Mỗi lao động mang về 200 triệu đồng/năm. Với 6.000 lao động đã phái cử thành công, thời hạn hợp đồng ít nhất 3 năm thì tổng giá trị đóng góp cho đất nước đã vượt quá 3.000 tỷ đồng.

Đằng sau chuyện đưa 6.000 thực tập sinh sang Nhật

Tự chủ nguồn nhân lực

Tập đoàn CEO (HoSE: CEO) là một tên tuổi lớn của thị trường bất động sản Việt Nam với hàng loạt dự án nổi danh tại Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh và Phú Quốc. Nhưng bên cạnh lĩnh vực bất động sản, CEO Group còn rất thành công trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực với 2 đơn vị chính là: Trường Cao đẳng Đại Việt chuyên đào tạo nghề trong các mảng du lịch, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe… và Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ C.E.O tập trung phát triển dịch vụ phái cử nhân lực sang làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Giáo dục không phải là một ngành hỗ trợ mà thực sự đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này.

Ông Đoàn Văn Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn CEO, chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính về lý do đầu tư vào giáo dục: “Có một sự thật là lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tay nghề, ý thức, kỷ luật lao động. Và trong suốt thời kỳ dân số vàng, chúng ta mới chỉ tận dụng được nguồn lao động phổ thông, tay nghề thấp. Điều khá phi lý là chúng ta có một lực lượng lao động trẻ, dồi dào về số lượng thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng vô cùng khan hiếm nguồn lao động có thể đáp ứng được nhu cầu cao. Hệ thống giáo dục của chúng ta có số trường đào tạo rất lớn nhưng lượng người lao động học thành nghề, trở thành thợ giỏi lại rất ít. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở trong nước và thế giới ngày càng tăng cao. Vì thế, Tập đoàn CEO đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này chủ động để chủ động cả về số lượng và chất lượng nhân lực theo nhu cầu của mình”.

Năm 2008, Tập đoàn CEO thành lập trường Cao đẳng Đại Việt ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với hạng mục xây dựng đầu tiên là giảng đường H1. Chỉ sau 1 năm, trường đã có thể tuyển sinh khóa đầu tiên với số lượng 300 người. 10 năm sau ngày ấy, Cao đẳng Đại Việt đã mở rộng lĩnh vực đào tạo ra hầu hết các ngành nghề cần thiết như: quản lý khách sạn, du lịch, xuất khẩu lao động, xây dựng, giáo dục phổ thông và đáng kể hơn cả là điều dưỡng và dược học.

Theo ông Minh, sự khác biệt cơ bản nhất của Cao đẳng Đại Việt so với đa số trường khác là yếu tố thực hành. Với chương trình học kéo dài 2 năm, sinh viên chỉ dành một thời gian ngắn để học kiến thức cơ bản tại lớp, 70% thời gian còn lại là thực hành tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của tập đoàn. Cách làm này trong ngắn hạn giúp Tập đoàn CEO giải được bài toán nhân sự tại các tổ hợp nghỉ dưỡng, còn trong dài hạn có thể cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề tốt và khả năng làm việc tại các dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Đứng ở khía cạnh của nhà tuyển dụng, cách làm này sẽ giảm 1/3 chi phí so với hình thức sử dụng lao động bên ngoài, bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán thiếu hụt lao động khi tỷ lệ chuyển việc trong các ngành dịch vụ thường ở mức cao. Đặc biệt, trường Cao đẳng Đại Việt cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm tại các chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành của Tập đoàn CEO và các doanh nghiệp là đối tác lớn của nhà trường”, ông Minh tự tin.

Ông Đoàn Văn Minh, Tổng giám đốc Tập đoàn CEO

Xuất khẩu lao động

Bên cạnh việc đào tạo để tự chủ nguồn nhân lực, Tập đoàn CEO cũng hướng tới việc xuất khẩu lao động sang nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này luôn “khát” lao động nhưng cũng đòi hỏi rất cao về chuyên môn và kỷ luật. Do vậy, hướng đi của Tập đoàn CEO là mời đội ngũ chuyên gia Nhật Bản sang đào tạo trực tiếp.

Ông Đoàn Văn Minh cho biết, nhiều sinh viên khi xác định ra nước ngoài lao động, trải qua thời gian đào tạo dài, chi phí không hề nhỏ nên rất nhiều lo lắng. Do vậy, giảm chi phí và tăng hỗ trợ là chiến lược tập đoàn tính đến. Đơn cử với ngành hộ lý, Tập đoàn CEO sẽ hỗ trợ vốn, sinh viên không cần chuẩn bị nhiều về tài chính và được trả chậm. “Với cách làm này, chúng tôi kì vọng có thể mở ra cơ hội để nhiều lao động trẻ phát triển và thay đổi tương lai của mình, mặc dù cách này có thể tạo ra không ít rủi ro về kinh doanh. Đây là cách làm mà chưa một công ty phái cử nào từng thực hiện đối với thực tập sinh tại Nhật Bản”, ông nói.

Tính đến nay, Tập đoàn CEO đã phái cử được 6.000 lao động sang Nhật Bản. Thử tính một phép tính đơn giản để thấy được hiệu quả, mỗi năm CEO Group phái cử được 1.000 lao động, mỗi lao động mang về 200 triệu đồng/năm. Như vậy với 6.000 lao động đã phái cử thành công, thời hạn hợp đồng ít nhất 3 năm, chưa kể một số lĩnh vực được gia hạn thêm 2 – 5 năm, tổng giá trị đóng góp cho đất nước đã trên 3.000 tỷ đồng. “Giá trị lớn như vậy nên dù biết cách làm của mình có rủi ro nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, mục tiêu của CEO Group trong thời gian tới là mỗi năm phái cử được 2.000 lao động sang đất nước mặt trời mọc; về dài hạn sẽ lọt vào tốp 5 doanh nghiệp đưa người lao động vào thị trường Nhật Bản, tốp 10 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Chia sẻ về triết lý của giáo dục, ông Minh cho rằng: đích đến của mọi mô hình phải là chất lượng. Đào tạo nghề chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng còn là thay đổi tư duy của người học. “Phần lớn người lao động thuần túy hướng đến các mục tiêu kinh tế, bởi vậy khi gặp tình huống khó khăn, không đạt mục tiêu, có thể họ sẽ suy nghĩ tiêu cực và hành động không đúng, không xác định được đây là một quá trình dài, cần tận dụng cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng tay nghề… rồi lợi ích kinh tế sẽ đến. Đây là điều chúng tôi luôn tập trung để làm thay đổi tư duy của nhiều lao động trẻ tại Việt Nam hiện nay”, ông nói.

Tin mới lên