Thị trường

Đằng sau con số nhập siêu của thép trong 8 tháng năm 2022

(VNF) - Theo số liệu Tổng cục thống kê, 8 tháng năm nay, Việt Nam nhập siêu sắt thép gần 2,3 triệu tấn, cao gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập siêu lớn đang phản ánh những diễn biến gì trên thị trường? Cơ hội nào cho ngành thép những tháng cuối năm?

Đằng sau con số nhập siêu của thép trong 8 tháng năm 2022

Việt Nam nhập siêu thép 8 tháng năm 2022

Tiêu thụ mạnh nhưng thép tồn kho vẫn lớn

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng vừa qua, xuất khẩu và nhập khẩu của mặt hàng sắt thép đều giảm. Trong khi xuất khẩu sắt thép giảm đến 30% thì nhập khẩu chỉ giảm 8%. Lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn rất nhiều so với lượng nhập khẩu, làm cho mặt hàng sắt thép nhập siêu, tăng lên khoảng 1,7 triệu tấn.

Nguyên nhân là biến động của kinh tế thế giới làm thị trường thay đổi khá nhanh. Lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu sắt thép ở một số thị trường là đối tác chính của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại và dịch vụ - Tổng cục Thống kê, các thị trường chính của Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Thứ nhất là thị trường Trung Quốc. Trong 8 tháng năm 2021, tổng sản lượng sản phẩm thép xuất sang Trung Quốc đứng thứ nhất, chiếm đến 20,9%. Tuy nhiên 8 tháng năm 2022 đã sụt giảm đến 94,7%. Ngoài ra một thị trường lớn khác là Hoa Kỳ cũng sụt giảm ở mức 16,5%.

Ngược lại, tại thị trường trong nước, nhờ kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản tăng cao, dẫn đến tiêu thụ sắt thép lớn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện nay triển khai đầu tư các dự án công trình hạ tầng đang rất nhộn nhịp, nhu cầu về vật liệu xây dựng gia tăng, trong đó có sắt thép tăng khá cao. Bởi vậy, việc nhập siêu thép là diễn biến bình thường.

Mặc dù nhập siêu, tuy nhiên theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cả xuất khẩu và nhập khẩu sắt thép đều đang tiếp tục giảm trong bối cảnh tiêu thụ nội địa và thế giới trong nhiều tháng tương đối yếu. Trong khi đó nguồn cung sắt thép tại Việt Nam vẫn dồi dào, lượng hàng tồn kho còn nhiều.

Cơ hội cho những tháng cuối năm

Giai đoạn nửa đầu năm 2022, do hàng loạt rủi ro về nguồn cung, nguyên liệu phục vụ ngành thép biến động mạnh đã đẩy giá mặt hàng sắt thép trên thị trường tăng vọt. Giá thép thế giới nói chung và giá thép nội địa nói riêng liên tục tăng cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi phí sản xuất hạ nhiệt đáng kể đã giúp ngành thép nội địa có nhiều cơ hội hơn so với giai đoạn trước.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam tại MXV cho rằng, nếu như trong nửa đầu năm nay, yếu tố nguồn cung ảnh hưởng mạnh tới giá nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm sắt thép, thì ở thời điểm hiện tại, bài toán về nhu cầu đang là yếu tố chi phối hơn cả. Trong bối cảnh hàng loạt các quốc gia, đặc biệt Mỹ và các nước tại khu vực châu Âu (EU) liên tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát phi mã, rủi ro suy thoái gia tăng sẽ phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ sắt thép trên thế giới, do đó tổng quan về nhu cầu sắt thép năm 2022 sẽ thấp hơn năm 2021.

Điều này sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho sản phẩm thép Việt Nam khi thị trường thế giới yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi cạnh tranh trong bối cảnh lượng hàng tồn kho các nước đang rất cao.

Tuy nhiên, đối với thị trường EU, theo các chuyên gia nhận định, nhiều nhà máy thép phải đóng cửa do cuộc khủng hoảng năng lượng làm gia tăng chi phí sản xuất là cơ hội tốt cho xuất khẩu sắt thép trong nước. Hiện tại, đây là khu vực chiếm tới 18% lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, chỉ sau khu vực ASEAN. Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng sắt thép xuất khẩu từ Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, lượng xuất khẩu sang EU đã tăng nhẹ 0,8% và con số này nhiều khả năng sẽ còn động lực tăng trong giai đoạn quý IV.

Mùa xây dựng cao điểm vào cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành thép

Đối với thị trường trong nước, ngành sắt thép có cơ hội trong quý IV/2022 khi Việt Nam bước vào mùa xây dựng cao điểm, lượng tiêu thụ sắt thép cho công trình sẽ tăng mạnh. Mặt khác nguồn vốn đầu tư công vào hạ tầng trong năm 2022 – 2023 còn rất nhiều và thông thường sẽ được đẩy mạnh giải ngân vào những tháng cuối năm, hỗ trợ đáng kể cho thị trường thép, ông Phạm Quang Anh cho biết thêm.

Tương tự, trong báo cáo đánh giá về triển vọng của ngành thép những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại cuối năm 2022 và năm 2023. VCBS kỳ vọng nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.

Các chuyên gia kỳ vọng, dịp cuối năm, nhất là trong quý IV, việc tập trung xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng… trong nước sẽ khiến lượng tiêu thụ các sắt thép năm 2022 có thể tăng trưởng quanh mức 7%-10%.

Tin mới lên