Tài chính quốc tế

Đằng sau thông điệp cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc

Chiến tranh thương mại sẽ làm Trung Quốc tổn hại thế nào thì cần có thời gian quan sát, trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần và đó là điều mà ông Trump không thể chờ đợi thêm.

Đằng sau thông điệp cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc

Đằng sau thông điệp cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đồng ý gặp mặt tại Hội nghị G20 tổ chức ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này, ông sẽ áp thuế trừng phạt 25% ngay lập tức đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. 

Thông điệp cuối cùng được cho là không phù hợp với thông lệ ngoại giao này rõ ràng là muốn thể hiện khí thế của kẻ mạnh. Tổng thống Trump còn nói ông Tập rất muốn hoàn thành đàm phán thương mại, nhưng xem ra ông Trump còn mong gặp ông Tập hơn là ông Tập muốn gặp ông Trump. Bởi vì, tác động của chiến tranh thương mại kéo dài đối với người dân Mỹ ngày càng rõ nét và không có lợi cho kỳ vọng liên nhiệm của Tổng thống Trump.

Việc ông Trump “đe dọa" ông Tập không phải tự nhiên mà có. Có thể Nhà Trắng đã nắm được thông tin, phát hiện ông Tập đang do dự về cuộc gặp sắp tới với người đứng đầu Nhà Trắng tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản, nên ông Trump mới phát đi cảnh báo trên.

Trong cuộc họp báo ngày 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không chỉ không xác nhận về cuộc gặp Tập-Trump mà còn bổ sung: “Chúng tôi mở cánh cửa đối với đàm phán bình đẳng, kiên quyết đối phó và đáp trả tới cùng hành vi cố ý leo thang căng thẳng thương mại”.

Đây là cách nói truyền thống của Trung Quốc về các cuộc đàm phán đối ngoại, nhưng nguyên nhân chủ chốt vẫn là tình hình đã thay đổi và phía Trung Quốc tự nhận mình có khả năng chịu đựng cuộc chiến thương mại lâu hơn so với Mỹ.

Trong khi đó, theo tờ Tin tức Thế giới ngày 14/6, Tổng thống Trump vẫn đắm chìm trong suy nghĩ “thuế quan là biện pháp tốt nhất”, cho rằng có thể sử dụng biện pháp thuế quan với Trung Quốc, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và biện pháp nào cũng mang lại lợi ích.

Việc Chính phủ Mexico mới đây tăng cường ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp sang Mỹ nhằm tránh bị ông Trump áp thuế trừng phạt 5% đối với tất cả hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ càng khiến ông Trump tin hơn vào hiệu quả của cây gậy thuế quan. Tuy nhiên, giá hàng hóa ở Mỹ bắt đầu tăng, dù là chuyên gia kinh tế hay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều cho rằng thuế quan gây hại cho phía Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc.

Tờ Thời báo Công thương dẫn báo cáo nghiên cứu mới nhất của Fed ở New York cảnh báo việc nâng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% sẽ khiến mỗi gia đình Mỹ phải chi thêm 831 USD/năm. Trong trường hợp Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, trung bình mỗi gia đình Mỹ sẽ phải chi thêm gần 2.000 USD/năm. Điều đó có nghĩa là toàn bộ số tiền mà các gia đình Mỹ có được từ biện pháp giảm thuế của chính quyền Trump sẽ bay mất bởi biện pháp thuế nhằm vào Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, ông Trump luôn muốn Fed hạ lãi suất, cho rằng nếu Fed làm vậy, Mỹ sẽ chiến thắng Trung Quốc. Vấn đề là biện pháp thuế quan làm vật giá leo thang, không gian để Fed giảm lãi suất càng thu hẹp trong bối cảnh lãi suất hiện đang ở mức thấp kỷ lục, từ 2,25%-2,5%.

Đồng tời, từ ngày 19/8 tới, lệnh phong tỏa nhằm vào Huawei bắt đầu có hiệu lực, đành rằng lệnh này có thể ngăn chặn sự bành trướng của Huawei, nhưng nó sẽ khiến ngành công nghệ Mỹ mất hàng chục tỷ USD tiền xuất khẩu chip điện tử sang Trung Quốc mỗi năm, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế cũng như doanh thu của doanh nghiệp, cơ hội việc làm của người lao động. Tất cả những vấn đề này sẽ khiến ông Trump cảm thấy bất an.

Tới nay, có không ít bình luận chỉ rõ chiến thuật mà ông Trump giỏi sử dụng nhất là “tự mình đốt lửa tạo vấn đề, sau đó sẽ xuất hiện để giải quyết vấn đề nhằm thể hiện tài năng cũng như thành tích của bản thân”. Câu chuyện xây dựng tường biên giới với Mexico, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, đều có bóng dáng của chiến thuật này.

Đương nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liên quan tới cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn và sự thay đổi về kết cấu thương mại toàn cầu không thể gói gọn trong vài câu chữ được. Nhưng giống như chuyên gia thương mại Gary Hufbauer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson từng đưa ra nhận định với hãng tin Reuters rằng dù chiếm đa số tại Hạ viện sau bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2018, nhưng đảng Dân chủ có thể vẫn “nới tay” ủng hộ ông Trump tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Trump dường như cũng biết được điều đó và đã thúc đẩy chiến tranh thương mại với Trung Quốc lên tầng nấc căng thẳng mới. 

Tuy nhiên, theo tờ Tin tức Thế giới, chiến tranh thương mại sẽ làm Trung Quốc tổn hại thế nào, khiến Trung Quốc phải khuất phục hay không thì cần phải có thời gian quan sát. Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần và đó là điều mà ông Trump không thể chờ đợi thêm. Cho nên, ông Trump rất muốn gặp ông Tập, cho rằng chỉ lãnh đạo tối cao gặp nhau thì mới giải quyết được đại bộ phận vấn đề.

Về phía Trung Quốc, sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ dẫn tới việc ông Trump giận dữ nâng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% và ra lệnh phong tỏa Huawei, nước này cũng thay đổi thái độ. Từ chỗ mong muốn thỏa hiệp với Mỹ trong vấn đề thương mại, Bắc Kinh giờ tỏ ra cứng rắn, không chịu khuất phục. 

Ngoài việc áp thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Bắc Kinh còn bắn tin hạn chế xuất khẩu đất hiếm, bán trái phiếu chính phủ Mỹ, lên danh sách các thực thể không đáng tin, danh sách quản lý an ninh công nghệ quốc gia. Bắc Kinh cũng triệu tập các công ty công nghệ lớn, trong đó có hãng Microsoft và Dell của Mỹ, cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu hợp tác với lệnh cấm của chính quyền Trump trong việc ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng của Mỹ. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn phát đi cảnh báo du lịch tới các công dân đang có ý định đi Mỹ. Đài truyền hình lớn của nước này cũng rút các phim Hollywood và phim có cảnh quay tại Mỹ khỏi lịch phát sóng, thay vào đó là các bộ phim chiến tranh Trung Quốc chống Mỹ cổ điển. Tất cả dường như nằm trong kế hoạch bố trí cho một cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ. Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần cảnh báo phải tự lực cánh sinh, chuẩn bị cho những ngày khó khăn nhất. Một cuộc “Vạn lý trường chinh mới” cũng đã được lãnh đạo tối cao nước này đề cập tới. 

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng áp lực kinh tế trược dốc của Trung Quốc ngày một lớn. Nhưng trong bối cảnh đó, việc truyền thông Trung Quốc nâng cấp chỉ trích những phát biểu “yêu Mỹ”, coi phe chủ trương thỏa hiệp với Mỹ là “phe đầu hàng”, cho thấy cuộc đấu tranh phe phái ở nước này không còn là bí mật. 

Điều đó khiến ông Tập Cận Bình càng khó khăn hơn trong thỏa thiệp với Mỹ và tuyệt đối không còn khả năng nhượng bộ Washington. Lựa chọn còn lại chỉ là vừa “đánh” vừa “đàm”, câu giờ đợi tới sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 với kỳ vọng ông Trump sẽ thất bại và người kế nhiệm của đảng Dân chủ sẽ thay đổi phương thức giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Tin mới lên