Tài chính quốc tế

Đằng sau vụ vỡ nợ gây chấn động của nhà sản xuất chip Trung Quốc

Vụ vỡ nợ của Tsinghua Unigroup cho thấy chính quyền Trung Quốc sẵn sàng bỏ mặc các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém nhằm siết chặt kỷ luật thị trường vốn.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc Tsinghua Unigroup từng được coi là "viên ngọc quý" trong kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh. Nhưng cuộc khủng hoảng tiền mặt của Unigroup bị phơi bày sau khi công ty thừa nhận không trả được nợ trái phiếu.

Cụ thể, Tsinghua Unigroup tuyên bố không thể trả nợ gốc cho 450 triệu USD trái phiếu đến hạn hôm 10/12. Điều này sẽ gây ra vi phạm chéo (cross default) với các khoản nợ khác trị giá 2 tỷ USD. Vi phạm chéo là một điều khoản nằm trong khế ước trái phiếu hoặc hợp đồng cho vay quy định rằng người đi vay được coi là vỡ nợ khi họ vỡ nợ trong một nghĩa vụ nợ khác.

Ba loại trái phiếu khác của Unigroup sẽ bị ảnh hưởng vì vi phạm chéo là 1,05 tỷ USD trái phiếu đến hạn vào năm 2021, 750 triệu USD trái phiếu đến hạn năm 2023 và 200 triệu USD trái phiếu đến hạn năm 2028.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc nuôi tham vọng thống trị thị trường trong nước kể từ năm 2015. Ảnh: Reuters

Chao đảo thị trường

Tháng trước, Unigroup cũng tuyên bố không trả được 1,3 tỷ NDT (tương đương 198,6 triệu USD) trái phiếu trong nước. Vụ việc làm chao đảo thị trường nợ doanh nghiệp của Trung Quốc. Trong một tuyên bố gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, công ty thừa nhận gặp căng thẳng về vấn đề thanh khoản và đang "chủ động huy động vốn thông qua nhiều kênh".

Từ lâu, các nhà đầu tư đã hoài nghi về nguồn vốn của Unigroup. Công ty dựa vào những quỹ đầu tư mạo hiểm được chính phủ rót vốn, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, với các nguồn tiền này, hãng sản xuất không thể triển khai hàng tỷ USD để thống trị thị trường chip.

Được thành lập vào năm 1988, Unigroup thuộc sở hữu của Tập đoàn Thanh Hoa của Đại học Thanh Hoa. Công ty có gần 40.000 nhân viên trên toàn cầu, tổng tài sản khoảng 270 tỷ NDT (tính đến năm 2018). Unigroup tự mô tả là nhà thiết kế chip điện thoại di động thương mại lớn thứ ba thế giới, kiểm soát 20% thị trường thẻ SIM toàn cầu.

Thông qua các phương tiện đầu tư, Chủ tịch Unigroup Zhao Weiguo sở hữu 49% cổ phần công ty. Còn trường đại học nắm giữ 51% còn lại. Công ty đặt mục tiêu dẫn đầu ngành chip nhớ Trung Quốc từ năm 2015.

Bắc Kinh sẵn sàng mặc kệ các doanh nghiệp quốc doanh yếu kém vỡ nợ. Ảnh: Reuters

Nhưng giờ, mối lo ngại của các nhà đầu tư đã thành hiện thực. Dòng tiền tự do của công ty trong nửa đầu năm nay là âm 11,57 tỷ NDT (âm 1,76 tỷ USD) , giảm so với mức 1,89 tỷ NDT (âm 289 triệu USD) năm ngoái. Cuối tháng 6, tỷ lệ vốn trên tài sản chỉ trên 30%. Công ty cũng thừa nhận khoản nợ phải trả "tương đối lớn".

Tính đến tháng 6, công ty phải trả lãi 156,69 tỷ NDT (23,86 tỷ USD), hơn 50% trong số đó cần trả trong vòng một năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, công ty chỉ có 51,56 tỷ NDT (7,88 tỷ USD) tiền mặt.

Trên thực tế, sau khi vỡ nợ, các công ty thường trải qua quá trình tái cấu trúc sau cuộc họp với trái chủ để công bố tình hình tài chính và dòng tiền. Một số quyết định phổ biến là thanh lý tài sản, phát hành nợ với ngày đáo hạn mới hoặc dự kiến lỗ trên khoản nợ hiện có. Đôi khi, công ty có thể phát hành cổ phiếu mới.

Siết chặt kỷ luật

"Toàn bộ quá trình tái cấu trúc có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Công ty có thể tiếp tục hoạt động để tạo lợi nhuận trong hầu hết thời gian đó", ông Jackson Chan, chuyên gia phân tích thu nhập cố định tại BondSupermart, nói.

Các nhà phân tích và quản lý quỹ cho rằng những rắc rối của công ty sẽ không dẫn đến khủng hoảng hệ thống tài chính. Tuy nhiên, một loạt vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong vài tháng gần đây - bao gồm Huachen Automotive Group và Yongcheng Coal & Electricity Holding Group - đã đặt ra câu hỏi về sự bảo đảm của chính phủ đối với những trái phiếu do các công ty này phát hành.

Những vụ vỡ nợ trên buộc các nhà đầu tư phải hạ thấp mức độ tín nhiệm đối với doanh nghiệp có liên kết với nhà nước. Điều này khiến lợi tức trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng.

Dù vậy, tình trạng này sẽ không gây tác động tức thì đến thị trường tài chính trị giá 50.000 tỷ USD của Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh có thể thực hiện mục tiêu tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn mà không tạo tác động lan tỏa quá lớn.

Cơ quan xếp hạng Fitch dự kiến số lượng doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc vỡ nợ sẽ tăng nhẹ vào năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào những doanh nghiệp này cũng sụt giảm.

Fitch ước tính khoảng 21 tỷ USD nợ nước ngoài do chính quyền địa phương phát hành sẽ đến hạn vào năm 2021, cao gấp đôi năm nay. Trong khi đó, trái phiếu đáo hạn trong nước của các doanh nghiệp quốc doanh giảm nhẹ xuống 677 tỷ NDT (103,54 tỷ USD) năm tới.

"Chúng ta cần đặt những vụ vỡ nợ này vào bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt kỷ luật thị trường vốn. Họ sẵn sàng loại bỏ các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và cảnh báo giới đầu tư", ông Jonathan Liang, chiến lược gia tai hãng Alliance Bernstein, nhận định.

"Bắc Kinh đang quyết tâm xóa bỏ mối hoài nghi về sự đảm bảo của nhà nước với những khoản nợ của doanh nghiệp quốc doanh. Khó khăn tài chính của Tsinghua Unigroup là minh chứng điển hình", Trưởng bộ phận Chiến lược Ngoại hối châu Á của Royal Bank of Canada nhận xét.

Tin mới lên