Diễn đàn VNF

'Đất đai phải được tích tụ một cách tự nhiên'

(VNF) - Thực tế cho thấy, hiện tại, việc tích tụ ruộng đất đang rất khó. Vấn đề phải thực hiện được và tái cơ cấu nông nghiệp. Bởi chúng ta có đến 40% dân làm nông nghiệp, tỷ lệ là quá cao so với các nước trong khu vực.

'Đất đai phải được tích tụ một cách tự nhiên'

Hiện tại, việc tích tụ ruộng đất đang rất khó. Vấn đề phải thực hiện được và tái cơ cấu nông nghiệp.

Cùng với đó, mấy năm trở lại đây, có một thực trang đáng báo động là nông dân bỏ hoang đất nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được đất đai diện tích lớn. Điều này khiến giá trị đất đai giảm sút và trở nên lãng phí. Trước vấn đề đó, tích tụ ruộng đất được xem là “chìa khoá” để tháo gỡ các vấn đề.

“Tích tụ ruộng đất là nhu cầu khách quan”

Cũng giống như những lần trước, mỗi lần sửa Luật Đất đai là câu chuyện tích tụ ruộng đất lại được mang ra bàn thảo. Trước tiên xin được khẳng định, trong bối cảnh mới như hiện nay, tích tụ đất đai là một nhu cầu khách quan của quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Vấn đề đơn giản như thế này thôi: muốn cạnh tranh được với các nước thì phải tăng năng suất; muốn tăng năng suất thì phải áp dụng các thành tựu khoa học-công nghệ; muốn áp dụng được các thành tựu khoa học-công nghệ thì phải tích tụ được đất đai.

Nếu nhiều nước đối tác của chúng ta chỉ có 3% - 5% dân số làm nông nghiệp, mà chúng ta lại có đến trên 40%, thì chúng ta cạnh tranh cái gì?

Thực cho thấy, tích tụ ruộng đất, dù là xu thế tất yếu nhưng lại không dễ dàng bởi nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta chưa quản lý được hạn điền. Mặt khác, trong quá khứ, việc sửa Luật Đất đai liên quan đến hạn điền cũng có rất nhiều tranh cãi. Có những lúc, chúng ta nghĩ sẽ nới ra nhưng sau đó lại rút lại.

Vậy, tại sao trong rất nhiều lần sửa luật như vậy, câu chuyện mở rộng hạn điền theo tư duy mới hiện nay vẫn chưa được chốt?

Trên thực tế, ở tầm triết lý, tự do và công bằng là hai giá trị mà loài người theo đuổi. Tuy nhiên, nếu tự do có nghĩa là đất đai cần được tập trung cho những người có thể khai thác đất đai tốt nhất, thì công bằng lại có nghĩa là người nghèo cũng phải có phần đất đai của mình. Chính sách mở rộng hạn điền gặp nhiều khó khăn là vì chúng ta bị dằng xé giữa hai giá trị tự do và công bằng nói trên.

Thế thì tự do quan trọng hơn hay công bằng quan trọng hơn? Quả thực, khó có được một câu trả lời chung chung là cái gì quan trọng hơn. Khi công bằng triệt tiêu hết động lực làm giàu, (làm ra của cải), thì tự do quan trọng hơn. Nhưng khi tự do gây ra sự bất bình đẳng, bất ổn định xã hội, thì công bằng quan trọng hơn. Suy cho cùng thì tất cả các xu hướng chính trị trên thế giới đều chỉ là những sự dịch chuyển giữa tự do và công bằng mà thôi. Các đảng cánh hữu thường coi trọng tự do, các đảng cánh tả thường coi trọng công bằng. Nhưng các đảng muốn thắng cử thì đều cần phải kết hợp được tự do với công bằng, nghĩa là nằm trung dung ở khoảng giữa.

Trở lại với Việt Nam, chúng ta gần với các nước theo mô hình dân chủ xã hội, nên công bằng rất được coi trọng (cho dù nhiều khi đó chỉ là sự công bằng trong nghèo khổ như trước khi Đổi Mới). Mà đã coi trọng công bằng, thì nới rộng hạn điền hoặc bỏ hạn điền để tạo ra bất bình đẳng sẽ rất khó được chấp nhận.

Đó còn chưa kể tới lo ngại mang tính bản năng của chế độ, đó là khi vấn đề tích tụ ruộng đất được hình thành thì giai cấp “địa chủ mới” sẽ xuất hiện, doanh nghiệp lớn cướp đất, nông dân mất đất, bần cùng hóa nông dân… Vào thế kỷ trước, chúng ta đã làm cách mạng để đánh đổ giai cấp địa chủ, rồi sau hơn nửa thế kỷ lại tìm cách tích tụ đất đai để hình thành lên giai cấp địa chủ mới thì thật là luẩn quanh! Việc tích tụ đất đai chắc chắn sẽ dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo. Nhiều người nông dân mất ruộng đất chưa chắc đã có được những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm công việc mới. Mà như vậy thì sự bần cùng hóa của nhiều nông dân là rủi ro hoàn toàn có thật.

Hãy để tích tụ ruộng đất diễn ra tự nhiên

Thật ra, nhu cầu phải tích tụ đất đai là một chuyện; cách thức tích tụ đất đai lại là một câu chuyện khác. Quan trọng là đất đai phải được tích tụ một cách tự nhiên và cùng nhịp với quá trình chuyển đổi của lao động nông thôn. Tích tụ đất đai bằng cách thu hồi của nông dân và giao lại cho doanh nghiệp thì đó sẽ là một thảm họa. Do đó, với dự thảo Luật Đất đai lần này, tôi cho rằng, cách thức tích tụ đất đai phù hợp nhất phải được tiến hành xây dựng như sau:

Thứ nhất, bảo đảm quyền tự do tài sản cho những người nông dân đối với đất đai của họ. Người nông dân sẽ có quyền giữ lại đất đai nếu họ còn có thể mưu cầu được hạnh phúc trên các thửa ruộng của mình. Nhưng họ sẽ có quyền chuyển nhượng nếu đất đai không còn nuôi sống họ.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và thu hút lao động từ nông thôn ra thành thị; tạo điều kiện cho lao động nhập cư có thể sinh sống và thành đạt ở quê hương mới và trở thành những thị dân.

Thứ ba, hình thành các thị trấn, thị tứ xung quanh các khu công nghiệp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch công cần thiết khác để công nhân và gia đình họ có thể định cư lâu dài và trở thành thị dân.

Thứ tư, đánh thuế đất nông nghiệp để tránh việc đất nông nghiệp bị bỏ hoang và thúc đẩy việc chuyển nhượng đất nông nghiệp. Mức thuế có thể rất thấp để không trở thành gánh nặng cho nông dân, nhưng hiện tượng bỏ hoang sẽ được khắc phục và khuyến khích chuyển nhượng đất sẽ được tăng cường.

Với cách thức như trên, việc tích tụ đất đai sẽ xảy ra một cách tự nhiên, trùng nhịp với việc chuyển đổi lao động và cư dân nông thôn.

Ngoài ra, để dung hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, tôi cho rằng có thể thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả để giao cho các doanh nghiệp hoặc thúc đẩy sự liên doanh giữa các nông, lâm trường này với các doanh nghiệp. Đối với đất đai của nông dân, quá trình tích tụ chỉ nên để diễn ra một cách tự nhiên, trùng nhịp với quá trình chuyển đổi lao động nông nghiệp và đô thị hóa. Đây là cách dung hòa lợi ích hợp lý, hợp tình nhất.

Cùng với đó, hợp tác hóa cũng là một cách tích tụ đất đai, cần nghiên cứu những mô hình thành công và nhân rộng cho những nơi phù hợp.

Bài học từ quá khứ

Trong quá khứ, chúng ta đã từng thực hiện ít nhất, tạm gọi là 2 cuộc cải cách ruộng đất. Bên cạnh những tác động tích cực thì các chính sách đất đai trước đây cũng phát sinh mặt trái. Kinh nghiệm từ 2 cuộc cải cách này cho thấy, mọi chính sách, trong đó có chính sách về tích tụ ruộng đất cũng như hạn điền cũng giống như thuốc tây, có nghĩa là mọi chính sách đều có thể có phản ứng phụ.

Trước khi ban hành chính sách thì phải đánh giá được tác động của nó. Trước khi ban hành chính sách mới về hạn điền cũng vậy! Nếu lợi ích mà nó mang lại lớn hơn tác động tiêu cực của nó, thì mới nên ban hành.

Thực tế, việc tháo giỡ nút thắt hạn điền có thể giúp thúc đẩy tích tụ ruộng đất một phần, nhưng hiệu ứng sẽ không lớn. Vấn đề là phần lớn đất đai đang nằm trong tay những người nông dân. Khi và chỉ khi những người nông dân chuyển đổi đất đai thì việc tích tụ mới có thể xảy ra.

Mà những người nông dân chỉ sẵn sàng chuyển đổi đất đai, khi việc chuyển đổi này có lợi hơn cho họ. Chính sách bảo đảm việc chuyển đổi đất đai có lợi hơn là giữ lại đất đai mới thực sự giúp cho việc tích tụ đất đai có thể thật sự xảy ra.

Tin mới lên