Tài chính quốc tế

Đạt doanh thu 'khủng' nhờ dầu khí, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lại lập đỉnh

(VNF) - Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga trong 7 tháng đạt mốc kỷ lục mới là 167 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với mức 50 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).

Đạt doanh thu 'khủng' nhờ dầu khí, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lại lập đỉnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng theo báo cáo sơ bộ được CBR công bố ngày 9/8, phần lớn doanh thu của Nga đến từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Theo tuần báo L’Express, có thể thấy cỗ máy kinh tế của Nga chống đỡ tốt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Giá bán các loại nhiên liệu (dầu, khí đốt, than) tăng vọt đã bù lại khối lượng xuất khẩu bị hạn chế vì các biện pháp trừng phạt.

Bên cạnh đó, việc lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và phương Tây chứng kiến đà sụt giảm mạnh cũng góp phần khiến Nga có thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ.

Dòng tiền này trở thành nguồn ngoại tệ mạnh quan trọng cho Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thặng dư thương mại tăng cao nói lên rất nhiều điều về những gì đang diễn ra với Nga, từ giá hàng hóa cao đến nhu cầu bền vững từ nhiều đối tác xuất khẩu. Nhưng đó cũng là một dấu hiệu không tốt, bởi sụt giảm trong nhập khẩu có thể gây ra gián đoạn trong toàn bộ nền kinh tế.

“Những hạn chế liên quan tới nhập khẩu đã và đang tàn phá nền kinh tế nước này", ông ông Paul Krugman, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel nhận định.

Hiện rất khó để thống kê được thiệt hại kinh tế mà Nga phải chịu do các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì chính quyền Moscow đã ngừng cung cấp số liệu chính thức. Tuy nhiên ngành giao thông là một trong những lĩnh vực đang bị tác động nặng nhất. Ngành công nghiệp xe hơi của Nga đang rơi tự do vì các nhà sản xuất nước ngoài đã rời Nga, và giờ là thiếu phụ tùng, linh kiện vì bị cấm vận.

Tập đoàn hàng không quốc gia Nga Aeroflot là một nạn nhân khác. Ngay sau khi Nga “động binh” với Ukraina, Aeroflot đã bị cấm tại nhiều nước phương Tây.

Trong quý II/ 2022, lưu thông quốc tế của hãng hàng không Nga đã giảm 57,8% và nội địa giảm 16,7%. Số lượng hành khách xuất phát từ các sân bay của Nga đã giảm 22% trong một năm. Chỉ riêng Aeroflot đã mất 66% hành khách trong một năm, và chỉ có 408.000 hành khách trong trong quý II. Trước những khó khăn của Aeroflot, điện Kremlin buộc phải tăng chi, đầu tư thêm 880 triệu euro để mua hơn 1,5 tỷ cổ phiếu mới phát hành của tập đoàn hôm 13/7.

Xem thêm >> Hungary đề xuất trả phí trung chuyển thay công ty Nga để nối lại nguồn cung dầu

Tin mới lên