Tài chính

Đạt Phương (DPG): Bất động sản suy giảm, mảng xây dựng ‘gồng gánh’ doanh thu

(VNF) – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2022 với kết quả tích cực, trong đó vai trò của mảng xây dựng trở nên nổi bật.

Đạt Phương (DPG): Bất động sản suy giảm, mảng xây dựng ‘gồng gánh’ doanh thu

Đạt Phương (DPG): Bất động sản suy giảm, mảng xây dựng ‘gồng gánh’ doanh thu năm 2022

Quý IV/2022, doanh thu thuần của DPG đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Xét cơ cấu doanh thu, mảng xây dựng đạt 732 tỷ đồng (tăng 63%), mảng bán điện thương phẩm đạt 208 tỷ đồng (gần như đi ngang), trong khi đó mảng bất động sản chỉ đạt 135 tỷ đồng (giảm 62%).

Do giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp quý IV/2022 đạt 261 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.

Hoạt động tài chính trong quý có tiến triển với doanh thu 16 tỷ đồng, tăng 77%, chủ yếu lãi tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại lên tới 50 tỷ đồng, tăng 13%. Trong khi đó, chi phí bán hàng đạt 27 tỷ đồng, giảm 75%, và chi phí quản lý 29 tỷ đồng, tăng 26%.

Kết quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của DPG đạt 169 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của DPG đạt 3.319 tỷ đồng, tăng 30%. Mảng xây dựng có đóng góp lớn nhất với doanh thu 2.036 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi), mảng bán điện thương phẩm đạt 657 tỷ đồng (tăng 34%), còn mảng bất động sản suy giảm với doanh thu 602 tỷ đồng (giảm 36%).

Lợi nhuận gộp cả năm đạt 922 tỷ đồng, tăng 5%. Hoạt động tài chính âm 137 tỷ đồng, do chi phí tài chính rất lớn (181 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết năm, DPG vẫn có lợi nhuận trước thuế tăng 14%, đạt 595 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, DPG có lợi nhuận 530 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Năm 2022, DPG đặt mục tiêu 3.825 tỷ đồng doanh thu và 523 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã hoàn thành 86% mục tiêu doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 13%.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DPG đạt 6.149 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn (đạt 751 tỷ đồng, tăng 19%) và hàng tồn kho (1.359 tỷ đồng, tăng 2,4 lần), trong khi đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn giảm rất mạnh (giảm 92%, chỉ còn 56 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 3.932 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay của DPG giảm 1,6%, đạt 2.661 tỷ đồng (vay ngắn hạn 1.044 tỷ đồng, tăng 2,6%; vay dài hạn 1.617 tỷ đồng, giảm 4%).

Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm nêu trên đạt 2.217 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Như vậy, hệ số D/E là 1,77 lần.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh năm 2022 của DPG khá đẹp, đạt 181 tỷ đồng. Dòng tiền vay/trả cũng có sự suy giảm nhẹ, đạt 1.502 tỷ đồng/1.548 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần cả năm đạt 125 tỷ đồng, giúp tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.171 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Tin mới lên