Tiêu điểm

Dấu ấn Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên chính trường quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một lãnh đạo xuất sắc”, còn theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, “Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có được sự nể trọng của nhân dân và bạn bè thế giới”…

Dấu ấn Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên chính trường quốc tế

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.

Ngày 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ở tuổi 62. Mặc dù thời gian giữ cương vị Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới được hơn 900 ngày, nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại những dấu ấn trên chính trường quốc tế. Đặc biệt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam năm 2017 (APEC).

Hơn 2 năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì khoảng 20 lễ đón chính thức Nhà vua, Nguyên thủ các quốc gia thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, cùng đó thực hiện gần 20 chuyến thăm cấp Nhà nước và tham dự các hội nghị đa phương ở nước ngoài. Chủ tịch nước cũng đã có hơn 1.000 cuộc tiếp khách đối ngoại, gặp gỡ song phương và rất nhiều chuyến công tác về các địa phương trong nước.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, có cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước và đổi mới mở cửa của Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đồng chí, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, luôn dốc sức kế thừa và phát huy tình hữu nghị Trung - Việt, tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển (ảnh: TTXVN).

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump: “Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ không quên những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế.”.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có được sự nể trọng của nhân dân và bạn bè thế giới, đã cống hiến rất nhiều cho việc củng cố an ninh quốc gia của Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế.”. Người đứng đầu Liêng bang Nga cho rằng, chính sự nhạy bén, sắc sảo về chính trị và khả năng hiểu bản chất của những vấn đề phức tạp nhất đã giúp Chủ tịch Trần Đại Quang có được sự tôn trọng chân thành nhất. (ảnh: Sputnik)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo lớn và đáng ngưỡng mộ của đất nước và người dân Việt Nam, và ông là một người bạn tốt của Campuchia (ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ: “Cá nhân tôi đã có vinh dự được gặp Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang 4 lần, trong đó, tôi đặc biệt muốn bày tỏ lòng kính trọng trước việc Ngài Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, nhất là những đóng góp to lớn trong việc ký kết Hiệp định TPP11 tại Hội nghị.”

Từ ngày 6/11 - 11/11/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tham dự có lãnh đạo 21 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong Tuần lễ cấp cao APEC, các hoạt động đàm phán và thương lượng giữa các nền kinh tế vô cùng khó khăn, căng thẳng, có những lúc tưởng như vô vọng, song kết quả đã đến vào phút chót. Kết thúc hội nghị cấp cao, lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố Đà Nẵng và Hiệp định Đối tác CPTPP. Lãnh đạo các nền kinh tế cho rằng, những Tuyên bố được đưa ra tại APEC Việt Nam 2017 “mạnh mẽ và quyết liệt hơn” Tuyên bố của các nước G20 diễn ra trước đó, khẳng định rõ APEC vẫn là nơi thoả thuận cơ chế về vấn đề tự do thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ.

Ngày 23/5/2016, nhận lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Tại Hà Nội, người đứng đầu nước Mỹ khi đó nhấn mạnh: “Chúng ta đến đây, như một biểu tượng của mối quan hệ được đẩy mạnh trong vài thập kỷ qua.” (ảnh: Reuters).

Tiếp đón Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 6/9/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gây ấn tượng với chính giới và truyền thông quốc tế khi trích dẫn câu nói của đại văn hào Voltaire để nói về mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp: “Một người bạn tốt quý giá hơn mọi điều vĩ đại trên đời” (ảnh: Lao động)

Ngày 23/11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican (ảnh: Reuters)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hành động rất tích cực để khuyến khích các nước “tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại” trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu. Với sự hỗ trợ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Singapore đã và đang ngày càng sâu sắc và bền chặt hơn. Chúng ta là những đối tác thân thiết trong khu vực và quốc tế”. (ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: “Chúng tôi luôn ghi nhớ những kỷ niệm tốt đẹp về tình hữu nghị Ngài dành cho Ấn Độ và chuyến thăm rất thành công của Ngài vào tháng 3 năm nay” (ảnh: VOV)

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội - nói về Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Ông là Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam gặp gỡ chúng tôi, phát biểu tại một hội nghị kinh doanh Việt - Mỹ. Ông ấy là người dành sự tin tưởng lớn lao cho khối tư nhân và việc cải thiện quan hệ Việt - Mỹ.”.

Tin mới lên