Tiêu điểm

Dấu ấn của Chính phủ mới sau 2 tháng kiện toàn

(VNF) - Sau khi kiện toàn, Chính phủ mới đã để lại nhiều dấu ấn như: kinh tế- xã hội có nhiều khởi sắc, thành lập quỹ vaccine, ban hành chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng có 2 phát biểu quan trọng tại 2 diễn đàn quốc tế…

Dấu ấn của Chính phủ mới sau 2 tháng kiện toàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19

Thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19

Từ khi nhậm chức ngày 5/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, nhất quán, thần tốc với chiến lược vaccine, bằng mọi cách để có vaccine tiêm cho nhân dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời điểm khó khăn này, sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực trong phòng chống dịch, khẳng định vai trò của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để giành thắng lợi trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, vaccine là vũ khí quan trọng nhất. Theo tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng hơn 25.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ mới đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19, với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước; cùng nguồn lực ngân sách nhà nước để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng Covid-19.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực

Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt hơn 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng ước tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55.800 doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đạt được kết quả nêu trên là nhờ thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự điều hành quyết liệt, đúng hướng, có hiệu quả của các cấp chính quyền; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường và giữ vững.

10 nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động của Chính phủ mới

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ngày 20/5, Chính phủ ban hành Chương trình hành động với 10 nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu được Nghị quyết nêu rõ là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết đề ra 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Một là tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Hai là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Bốn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm là phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Sáu là phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bảy là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh.

Tám là củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Chín là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiệm vụ thứ mười là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

2 phát biểu để lại dấu ấn với quốc tế của Thủ tướng

Ngoài sự kiện Thủ tướng thực hiện chuyến công du đầu tiên tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Chính phủ cũng có 2 phát biểu tại 2 hội nghị lớn để lại dấu ấn với các nhà ngoại giao quốc tế.

Cụ thể, tối 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Thủ tướng nhận định thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chưa tính đến sự già hóa dân số ở nhiều quốc gia; để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ hiện nay mà còn với các thế hệ tương lai.

“Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Trước đó, sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ cũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về “Tương lai châu Á lần thứ 26” theo hình thức trực tuyến. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, giải pháp đặc biệt. Ông nói: “Châu Á cần một khung khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai.

Tin mới lên