Bất động sản

Dấu ấn của Vinaconex giữa 'cơn bão Covid-19'

(VNF) - Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi bức tranh của ngành xây dựng cơ bản là một màu ảm đạm thì đâu đó, vẫn có những nét tươi sáng cho thấy tín hiệu lạc quan, tích cực vào một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch, đơn cử như “ông lớn ngành xây dựng” - Vinaconex.

Dấu ấn của Vinaconex giữa 'cơn bão Covid-19'

Trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang được Vinaconex hoàn thiện.

Lĩnh vực xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 thứ tư

Làn sóng Covid-19 thứ tư diễn ra tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2021 và trở nên nghiêm trọng từ đầu tháng 6, đã đẩy thị trường xây dựng vào tình cảnh khó khăn chưa từng có: hàng loạt dự án phải dừng thi công, người lao động không muốn/không thể hoặc rất khó đi làm, doanh nghiệp chật vật đáp ứng các điều kiện khắt khe về phòng chống dịch bệnh và đối diện những rủi ro lớn về chi phí.

Đáng nói, việc tái bùng phát Covid-19 lại diễn ra trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, tăng cao đến rất cao so với đầu năm, khiến chi phí sản xuất của các nhà thầu bị đội lên, trong khi đa số hợp đồng xây dựng đang áp dụng đơn giá cố định.

Bên cạnh đó, ngoài việc vật liệu khan hiếm, tăng giá, có không ít nhà thầu đang phải đối mặt với tình trạng nhiều công trường thi công ngưng trệ do không huy động được thiết bị, thiếu nhân lực, qua đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, thanh quyết toán để thu hồi vốn.

Việc cân đối dòng tiền cũng khiến các nhà thầu tỏ ra rất đau đầu, khi mà các khoản vay vốn lưu động chưa có tín hiệu được giãn nợ, hoặc chi phí lãi vay ngân hàng chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng rất khó để tiếp cận ở giai đoạn này. Nhìn chung, dưới muôn vàn khó khăn bủa vây, có doanh nghiệp đã buộc phải đưa ra dự báo cho mức sụt giảm lợi nhuận có thể lên đến 70-80% trong năm nay.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ lạc quan, giữa bức tranh ảm đạm là vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp đang phát đi những tín hiệu tươi sáng và tích cực, đơn cử như Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG).

Vinaconex xoay chuyển và thích ứng tốt trong "cơn bão Covid-19"

Chia sẻ về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh thời gian qua, đại diện Vinaconex cho biết, doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực duy trì thi công các dự án trọng điểm không bị gián đoạn, cho dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Điển hình tại Hà Nội, trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội, một số dự án trọng điểm của thành phố vẫn được phép gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão, điển hình như dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn II), dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, dự án nâng cấp, cải tạo bệnh viện K cơ sở I,II.

Trong đó, với tư cách là nhà thầu liên danh tại dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn II), Vinaconex đã tham gia thực hiện gói thầu 05 "thi công cầu dẫn và đường dẫn phía Long Biên", và gói thầu 01 "thi công xây dựng cầu chính vượt dòng chủ, bao gồm cả đường công vụ, cầu phao, mố nhô phục vụ thi công". Các công nhân được tổ chức làm việc, ăn nghỉ tập trung, không tiếp xúc với bên ngoài, không ra ngoài phạm vi công trường, tuân thủ nghiêm túc 5K.

Tương tự, Vinaconex cũng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại dự án xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Đây là dự án được xây dựng trên khu đất trên 35.000 m2 với tổng mức đầu tư hơn 710 tỷ đồng; diện tích xây dựng công trình khoảng 8.400 m2, mật độ xây dựng khoảng 24%.

Công trình thủy điện Đăk Ba, Quảng Ngãi do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Tại một dự án trọng điểm của Hà Nội khác là dự án nâng cấp cải tạo bệnh viện K cơ sở I,II - Vinaconex với vai trò là nhà thầu thi công đã thường xuyên động viên người lao động bảo đảm tiến độ công trình, chất lượng dự án nhưng cũng không quên thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định.

Đối với các công trình, dự án khác của Vinaconex trên toàn quốc đang tạm dừng thi công do giãn cách xã hội, nhà thầu vẫn luôn theo dõi sát sao đến sức khỏe, quan tâm đến đời sống của người lao động. Vinaconex và các đơn vị thành viên đã hỗ trợ lương thực thiết yếu, tiền mặt, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, bổ sung công cụ, dụng cụ nấu ăn... cho hàng nghìn anh em công nhân với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, một số dự án của Vinaconex tại những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt đang được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thi công, điển hình như dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh có thể được mở bán vào cuối năm nay, hay dự án khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina, Hải Phòng, cũng đang dần hoàn thiện khu biệt thự...

Đặc biệt, công trình thủy điện Đăk Ba, Quảng Ngãi do Vinaconex làm chủ đầu tư hiện đang vượt tiến độ đề ra, với mục tiêu phát điện vào quý IV năm 2022. Nhà máy khi hoàn thành có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình năm 100,43 triệu kWh, tạo ra doanh thu khoảng 130 tỷ/năm, nộp hơn 20 tỷ vào ngân sách địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Huyện Sơn Tây, vốn là một huyện miền núi vùng sâu, còn nhiều khó khăn của Tỉnh Quảng Ngãi.

Vinaconex lãi sau thuế gần 249 tỷ đồng sau soát xét trong 6 tháng đầu năm

Mới đây, ông lớn Vinaconex đã công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất sau soát xét năm 2021, với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.341 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 341 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt 414 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 249 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận mức dương 164 tỷ đồng, cải thiện hơn khá nhiều so với cùng giai đoạn năm trước - thời điểm dịch Covid-19 chưa có những tác động rõ nét như hiện nay.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.186 tỷ đồng, tăng 54% so với hồi đầu năm. Không chỉ mở rộng về quy mô, năng lực tài chính của nhà thầu cũng được củng cố khi sở hữu khoản tiền nhàn rỗi lên đến 2.828 tỷ đồng, tăng 833 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Theo một khảo sát của Deloitte, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau khi đại dịch được kiểm soát thường có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng ngắn hạn, tin tưởng hơn vào tiềm năng dài hạn.

Deloitte cho rằng, các doanh nghiệp này thậm chí có thể tuyển dụng thêm lao động, theo đuổi các thương vụ mua bán sáp nhập, tái cơ cấu danh mục đầu tư... Họ cũng không ngừng tìm kiếm các đối tác và liên minh mới, đồng thời xem xét, đánh giá các cơ hội mới để củng cố chuỗi cung ứng và phát triển thị trường, tập trung vào nâng cao sức khỏe của người lao động, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Với các động thái của Vinaconex như đã đề cập phía trên, có thể thấy đây là một trong những doanh nghiệp điển hình như vậy.

Những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của Vinaconex, ngoài ý nghĩa chia sẻ gánh nặng với người lao động, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, cũng cho thấy Vinaconex luôn sẵn sàng nguồn lực, sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cũng cần nói thêm rằng, từ nhiều năm qua, thế mạnh của Vinaconex so với các doanh nghiệp xây dựng đơn thuần khác, đó là chiến lược hoạt động trên thế "kiềng 3 chân" với các lĩnh vực bổ trợ đắc lực lẫn nhau: xây dựng, đầu tư bất động sản và đầu tư tài chính.

Từ khoá: Vinaconex, Covid-19, VCG,
Tin mới lên