Ngân hàng

Dấu hiệu tăng bơm vốn ra thị trường, chuẩn bị đối phó ‘suy thoái’ trong 2023

(VNF) - Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Việc này tạo động lực cạnh tranh, giúp hạ nhiệt lãi suất, tiếp sức cho doanh nghiệp. Cùng với đó, quyết định nới room tín dụng cũng giúp ngân hàng có thể bơm thêm vốn ra nền kinh tế. Đây là động thái được cho là chuẩn bị để ứng phó cho 2023 dự báo có nhiều khó khăn và nguy cơ ‘suy thoái’ trên phạm vi toàn cầu.

Dấu hiệu tăng bơm vốn ra thị trường, chuẩn bị đối phó ‘suy thoái’ trong 2023

Dự báo năm 2023 sẽ đối diện với nguy cơ suy thoái trên phạm vi toàn câu.

Lãi vay hạ nhiệt, zoom tín dụng được nới

Thị trường lãi suất đang có những tín hiệu khá tích cực khi một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay với quy mô lớn.

Cuối tuần trước, Agribank thông báo hạ 20% lãi suất các khoản vay trong tháng 12 này. Trước đó, Vietcombank đã công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, thời gian áp dụng từ 1/11 đến hết 31/12.

Không chỉ các "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng bắt đầu tham gia cuộc đua giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, HDBank thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất 120 tỷ đồng trong thời gian từ 1/11 đến 31/12/2022.

Ngân hàng ACB cũng thông báo giảm lãi suất 1%/năm cho hàng loạt các khoản vay của khách hàng hiện hữu và khách hàng nhận giải ngân mới, áp dụng từ ngày 06/12/2022 đến hết tháng 01/2023.

Việc một số ngân hàng có động thái hạ lãi suất cho vay được ví như “làn gió mát” cho thị trường lãi suất vốn đang nóng. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo "hiệu ứng domino" tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc một số ngân hàng bắt đầu thực hiện giảm lãi suất cho vay còn để thực hiện cam kết trước đó cũng như để “ghi điểm” với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thời điểm cấp room tín dụng mới đang cận kề.

Ngày 5/12, NHNN quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5-2%. Như vậy, thay vì định hướng tăng trưởng tín dụng 14%, mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ được nới lên mức 15,5-16%.

NHNN cho biết, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo chuyên gia, việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều ngân hàng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc nới room tín dụng để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay.

Số liệu từ NHNN cho thấy, tính tới tháng 9, quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm ngoái. Với việc nới room tín dụng thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.

Giảm lãi vay tiếp sức doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ đang phải vay với lãi suất trung bình từ 12-15%/năm, thậm chí cao hơn. Với mức lãi vay như thế thì việc sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn. Lãi vay ở mức 12-15%/năm thì mức sinh lời của vốn vay phải đạt trên 30%. Mà ngoài trả chi phí lãi vay, doanh nghiệp còn phải tính toán các chi phí khác. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu thời điểm cuối năm gia tăng, cộng thêm chi phí vốn tăng lên sẽ gây áp lực nhiều đến giá cả hàng hóa.

Mới đây, NHNN đã đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường cung ứng vốn, tìm cách hỗ trợ về lãi suất như tăng thấp hơn tốc độ huy động hoặc ưu đãi cho một số ngành nghề được khuyến khích.

NHNN chi nhánh TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Quý Mão và năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết, trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, các ngân hàng cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng khẳng định đang ưu tiên vốn cho sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm với lãi suất cho vay ổn định.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, dù chịu nhiều sức ép từ chi phí đầu vào, nợ xấu, áp lực dự phòng nhưng ngân hàng vẫn cố gắng bằng nhiều giải pháp giảm chi phí vận hành, tăng tỷ lệ CASA giảm chi phí huy động vốn... nhằm giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Việc có thể giảm lãi suất cho vay cho thấy các nhà băng rất nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp.

Việc giảm lãi suất cho vay càng có ý nghĩa hơn khi được triển khai trong 2 tháng cuối năm. Đây được xem là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc giảm lãi suất cho vay cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để NHNN xem xét, cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Tin mới lên