Tiêu điểm

Đầu tàu TP. Hồ Chí Minh sau 42 năm giải phóng

42 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn đã và đang là thành phố dẫn đầu về kinh tế và là động lực thúc đẩy sự phát triển cho khu vực cũng như cho nhiều lĩnh vực khác của cả nước.

Đầu tàu TP. Hồ Chí Minh sau 42 năm giải phóng

Ảnh minh họa.

Ngồi trên ô tô chạy trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây, người bạn học ngày xưa giờ là Việt kiều Đức cứ tấm tắc: "Ồ, thoáng đãng quá! Ồ, rộng rãi quá!". Anh phóng tầm nhìn ra xa, nơi có những tòa ốc mọc lên, trầm trồ: "Ồ, tốc độ quá! Ồ, phát triển nhanh quá!". 

Người bạn trong nước ngồi chung xe đùa: "Ở bên Đức không có cao tốc, không có nhà cao tầng hay sao mà cứ như mới thấy lần đầu vậy?". Người bạn Việt kiều ngập ngừng thoáng chút: "Không phải không phải! Vì Sài Gòn phát triển nhanh quá! Ngày mình đi, Sài Gòn còn sơ sài lắm. Mới chưa đầy 20 năm, mà giờ nhiều thứ khác quá, không nhận ra Sài Gòn ngày trước".

Thân thiện và ấm áp

Tiến là tên người bạn Việt kiều Đức. Học xong trung học phổ thông, chúng tôi tiếp tục con đường học hành của mình, còn Tiến bươn chải kiếm sống. Một cơ hội đã đưa Tiến đi làm công nhân kỹ thuật ở Đức, sau đó anh định cư luôn. Đến nay sau 19 năm, lần đầu anh trở lại thăm TP.HCM, cũng là nơi anh từ đó ra đi. 

Cứ tưởng ở xứ sở công nghiệp, với nhà máy, cao ốc chọc trời, thì với TP.HCM sẽ chẳng có gì lạ lẫm. Nhưng với Tiến thì ngược lại, anh cứ như đứa trẻ con mới đến vùng đất mới, cái gì hôm nay ở TP.HCM cũng khiến anh thấy lạ lùng và thích thú. 

Cũng như anh bạn Việt kiều, có lần TS. Nguyễn Chánh Khê (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khu Công nghệ cao TP.HCM), lái xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, cứ trầm trồ: "Con đường quá đẹp! Nó đẹp còn vì hài hòa với kiến trúc của đô thị Sài Gòn".

Ông nói rằng ông đã ở Nhật, ở Mỹ nhiều năm, nhưng ông vẫn thấy kiến trúc đô thị của TP.HCM vừa hiện đại nhưng vẫn rất giản dị, hài hòa và đẹp. Ông nói Mỹ và Nhật Bản không có được nét đẹp và cái ấm áp gần gũi như Sài Gòn. Thú thực vì đây cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân ông, nên tôi cũng không dám cho rằng ông nói vậy là đúng hay sai!

42 năm, một chặng đường 

Nếu đánh giá về sự phát triển kinh tế TP.HCM sau 42 năm, thì có lẽ phải đọc báo cáo mới đủ, mới hình dung hết. Nhưng như vậy thì cũng còn thiếu một điều: Có những điều TP.HCM đạt được không nằm trong báo cáo!

Ví dụ như, nơi đây là niềm tự hào của người dân đất phương Nam, là vùng đất quy tụ không chỉ đầu tư, mà còn là nơi quy tụ nhiều nền văn hóa của các địa phương. Đương nhiên, vẫn phải nhắc đến niềm tự hào nơi đây là vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

Trong giai đoạn xây dựng đất nước từ sau ngày thống nhất, TP.HCM giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Với truyền thống năng động sáng tạo, có thể nói TP.HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nơi đây, với những thành tựu của mình, đủ để khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, và có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước.

Kể từ Nghị quyết đầu tiên về phát triển thành phố của Bộ Chính trị vào tháng 9/1982, đến nay GDP bình quân đầu người TP.HCM đã đạt mức hơn 5.500 USD, và dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt đến 9.800 USD.

Đây là một con số đáng ghi nhận và được chờ đón. Ðến nay, thành phố đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng dịch vụ đã chiếm 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 39,4%. Ðến cuối năm 2016, số hộ nghèo có thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn nghèo của thành phố chỉ còn khoảng 1,2%. 

Kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi lên

Không thể chối cãi rằng, sự phát triển của cả Vùng kinh tế khu vực phía Nam mà ngày nay nhiều tỉnh cũng đã bứt phá lên được, là có vai trò rất lớn của TP.HCM. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2015 Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm khoảng 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất chiếm hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách Quốc gia. Đây là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính hàng đầu và là động lực phát triển năng động của cả nước và có tầm cỡ khu vực. 

Đến nay, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu - Long An… cũng là những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước. Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trước năm 1975 không có vai trò lớn về công nghiệp nhưng nay đã trở thành những tỉnh công nghiệp hiện đại. Trong sự phát triển này có ảnh hưởng rất lớn từ TP.HCM bởi nơi đây vừa là cửa ngõ, vừa là trung tâm vận chuyển, giao thương, và cũng là nơi tiêu thụ.

Chính vì thấy được tầm quan trọng đó, Chính phủ đã quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và các tỉnh thuộc cả miền Đông lẫn miền Tây Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong đó, với vai trò trung tâm kết nối phát triển, TP.HCM đã đóng vai trò chủ lực cho toàn vùng Nam Bộ trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường dù mức độ lan tỏa chưa như tiềm năng vốn có. 

"Một bước đột phá trong bức tranh kinh tế các tỉnh phía Nam, đó là từ chỗ chỉ có ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa nhỏ, chủ yếu phục vụ cho quốc phòng, nay sau 40 năm đã hình thành được một loạt các tỉnh thành công nghiệp," ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá. 

Thành phố năng động

Đạt được những thành tựu kinh tế, ngoài sự thuận lợi về địa lý, yếu tố quan trọng số 1 giúp TP.HCM luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, đó là tính năng động của con người ở vùng đất này.

Có thể nói, rất nhiều mô hình kinh tế mà hôm nay cả nước áp dụng, được bắt nguồn từ TP.HCM. Thành phố là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.

Đi đầu và sáng tạo luôn luôn kèm theo có thể thất bại. Nhưng với truyền thống luôn luôn sáng tạo, TP.HCM đã không xem đó là sự cản trở, mà lấy đó để làm sự thử thách để vượt qua. Và những gì TP.HCM hôm nay đạt được đã chứng minh cho sự sáng tạo đó, trong đó có cả sự sáng tạo trong việc áp dụng các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó có thể nói là thành tựu lớn nhất của đô thị này.

Tin mới lên