Bất động sản

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Hàng loạt rủi ro vẫn bủa vây

(VNF) – Các chuyên gia cho rằng "kênh" bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay vẫn chứa đựng quá nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư, kể cả về tính pháp lý cũng như mức sinh lời.

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Hàng loạt rủi ro vẫn bủa vây

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn rất nhiều rủi ro

Cửa thoát của bất động sản nghỉ dưỡng quá hẹp

Tại tọa đàm "Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội, rủi ro" do CafeLand tổ chức sáng nay, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết trong 3 năm qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển khá mạnh, các nhà đầu tư đua nhau rót vốn vào các dự án lớn. Một số thậm chí còn chào bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng không khiến các rủi ro của thị trường nghỉ dưỡng được giảm bớt đi, ngược lại, lại ngày càng hiện hữu. Rõ nhất là sự phụ thuộc của bất động sản nghỉ dưỡng vào du lịch. Nếu không thu hút được khách du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp khó khăn trầm trọng – trong khi đây lại là lĩnh vực rất dễ bị tác động của tình hình chính trị, kinh tế.

Mức sinh lợi 10%/năm có thể là một điều hấp dẫn "Nhưng cái 10% đầy quyến rũ đó ai là người đảm bảo? Nếu họ (chủ đầu tư –PV) không thực hiện thì người mua phải làm gì? Có biện pháp gì khi họ không thực hiện nghĩa vụ?", TS Hiếu đặt câu hỏi.

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Hàng loạt rủi ro vẫn bủa vây ảnh 1

Chưa nhiều dự án nghỉ dưỡng đi vào hoạt động nên rất khó đánh giá hiệu quả 

Đồng quan điểm, ông Rudolf Hever - Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương, cũng nhận định đa phần các dự án nghỉ dưỡng mới đang ở giai đoạn chào bán mà chưa đi vào hoạt động nên thị trường chưa thể đánh giá được chính xác hiệu quả. Trong khi đó, người mua lại chưa nhìn nhận hết về loại hình đầu tư, dòng sản phẩm mà mình mua mà chỉ mua thông qua… quảng cáo.

Dưới góc độ của một nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Huy Nam nhận xét: so với các kênh đầu tư tài chính khác, sự hấp dẫn của mảng bất động sản nghỉ dưỡng là lợi nhuận 10%/năm, sau đó tài sản sẽ thuộc về mình và còn được hưởng cái gọi là timeshare.

"Sự hấp dẫn này khiến tôi từng có lúc dự định xuống tiền mua, nhưng suy tính và đặt trong thế so sánh với các kênh khác, có thể thấy, tính thanh khoản của bất động sản nghỉ dưỡng kém rất xa. Nói cách khác, ‘cửa thoát’ của đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng khó khăn hơn các kênh đầu tư khác, không phải muốn rút là rút được ngay", ông Nam nói.

Ông Nam cũng lưu ý, mục đích khi rót vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng là đầu tư. "Nếu lỡ không khai thác được để kiếm lợi, liệu các bạn có sẵn sàng chuyển đến ở luôn như khi mua một căn nhà không? Với bài toán tài chính, nếu có tiền dư thì cứ tham gia, còn nếu chỉ nhìn con số quảng bá và kì vọng lợi nhuận thì nên cân nhắc. Theo tôi không nên lướt sóng hay vay ngân hàng để mua. Rủi ro phong trào hoàn toàn có thể xảy ra".

Quyền sở hữu vẫn chưa rõ ràng

Theo nhận định của luật sư Trần Thái Bình, hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, chuyên biệt trong kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Trong các văn bản đang có, các thuật ngữ về condotel, villatel vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng. Luật pháp cũng chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng (nếu có cũng tùy vào từng dự án).

Dù một số địa phương có "sáng tạo" trong việc diễn giải pháp luật về cung cấp sở hữu. Chẳng hạn có dự án được phê duyệt là bất động sản nghỉ dưỡng để bán, nhưng quyền sử dụng đất chủ đầu tư đang nắm thực chất chỉ là thuê đất trả tiền hàng năm. Do đó, về mặt pháp lý, chủ đầu tư không thể ký hợp đồng mua bán cho người mua. Người mua cũng không thể sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Hàng loạt rủi ro vẫn bủa vây ảnh 2

Pháp lý vẫn là vướng mắc lớn nhất hiện nay của bất động sản nghỉ dưỡng

Nói thêm về timeshare, luật sư Trần Thái Bình cho biết có nhiều người hiểu nhầm rằng sau này có thể chuyển nhượng là dễ sinh lời. "Thực ra khi mua timeshare chúng ta chỉ có gói kỳ nghỉ trong một thời gian nào đó chứ không có quyền sở hữu toàn bộ. Quyền lợi chỉ dừng lại trong hợp đồng đối với chủ đầu tư ký với mình. Chủ sở hữu là một người khác có quyền mang đi thế chấp, bán lại. Còn trong vận hành rất khó để nói về một kế hoạch cụ thể trong tương lai".

"Gần đây một số chủ đầu tư đã phá sản dù công ty mẹ là nhà đầu tư lớn. Vậy trường hợp này quyền lợi của người mua sẽ như thế nào? Khả năng cao nhất là không có gì. Do vậy cân nhắc kỹ trước khi quyết định ký hợp đồng vẫn là lời khuyên tại thời điểm hiện nay", ông Bình khuyến nghị.

Tin mới lên