Tài chính

Đầu tư gì với 14 tỷ đồng để thu lãi cao nhất trong 6 tháng qua?

Dùng 14 tỷ đồng gửi tiết kiệm từ tháng 11/2020 đến nay chỉ thu được 300-400 triệu tiền lãi. Nhưng nếu chọn tài sản rủi ro hơn, mức lợi nhuận có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đầu tư gì với 14 tỷ đồng để thu lãi cao nhất trong 6 tháng qua?

Người gửi tiết kiệm 14 tỷ đồng sẽ trở thành khách VIP của hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng.

Trong khi đó, mức tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng hưởng lãi suất 3,1-3,8%/năm; tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng có mức lãi suất trung bình 4-6%/năm; và tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm.

Nếu so với 6 tháng trước, mức lãi suất này hiện thấp hơn khoảng 0,2-0,4 điểm %.

MBBank hiện đưa ra mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở mức 4,54%/năm (áp dụng với hình thức trả lãi trước). Tương đương với việc người gửi 14 tỷ đồng có thể nhận về số tiền lãi gần 320 triệu đồng sau 6 tháng.

Lãi vài trăm triệu nếu gửi tiết kiệm, mua vàng

Tuy nhiên, nếu gửi cách đây 6 tháng (khoảng tháng 11/2020), mức lãi suất MBBank đưa ra cho các khoản tiền gửi kỳ hạn tương tự là 5,1%/năm, tương đương số tiền lãi người gửi có thể nhận được đến nay là 357 triệu đồng.

Theo khảo sát, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của hầu hết ngân hàng giai đoạn tháng 11/2020 phổ biến ở 4,5-6,65%/năm.

Nếu gửi vào một số nhà băng lớn như Vietcombank, Techcombank, Agribank, Vietinbank hay BIDV mức lãi suất nhận được chỉ là 4,2-4,4%/năm (308 triệu đồng tiền lãi nếu gửi 14 tỷ đồng).

Nếu gửi vào các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như NCB, CBBank, DongABank, Vietcapital Bank… mức lãi suất cao nhất có thể đạt là 6,65%/năm. Tương đương nếu gửi 14 tỷ vào tháng 11/2020, đến nay người gửi có thể nhận về 455 triệu tiền lãi.

Tuy nhiên, nếu dùng số tiền 14 tỷ đồng đầu tư vào các tài sản rủi ro khác như vàng, chứng khoán, tiền mã hóa… từ 6 tháng trước, mức lợi nhuận thu được còn lớn hơn rất nhiều lần.

Cụ thể, giữa tháng 11/2020, thị trường vàng thế giới suy yếu và giao dịch phổ biến trong khoảng 1.800 USD/ounce. Giá vàng miếng trong nước khi đó cũng được các doanh nghiệp giao dịch phổ biến ở mức trên dưới 54 triệu đồng/lượng.

Đến nay, thị trường vàng đang bước vào xu hướng tăng với giá thế giới ở trên vùng 1.900 USD/ounce, tương đương mức tăng gần 6% so với 6 tháng trước. Trong khi đó, mức tăng của giá vàng miếng trong nước cũng là gần 5% khi giá bán ra hiện phổ biến ở mức 56,65 triệu/lượng.

Nếu trừ đi chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước, người đầu tư vàng từ tháng 11/2020 đến nay vẫn ghi nhận khoản lãi hơn 4% giá trị đầu tư.

Như vậy, nếu mang 14 tỷ đi mua vàng thế giới từ tháng 11/2020 đến nay, nhà đầu tư sẽ ghi nhận khoản tiền lãi khoảng 840 triệu đồng, gần gấp đôi gửi ngân hàng. Trong khi đó, mức lợi nhuận có thể ghi nhận được nếu đầu tư vàng miếng trong nước cũng là 560 triệu đồng.

Đầu tư chứng khoán, Bitcoin lãi lớn

Trường hợp đầu tư vào thị trường chứng khoán, mức lợi nhuận có thể lên tới tiền tỷ nếu dùng 14 tỷ đồng đầu tư vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.

Giữa tháng 11/2020, chỉ số VN-Index mới dao động trong khoảng 950 điểm, trong khi chỉ số VN30 ở mức 920 điểm. Thị trường chứng khoán giữ xu hướng tăng mạnh từ đó đến nay, hiện VN-Index đã chạm mức 1.316,7 điểm và VN30 đạt trên 1.455 điểm (đến cuối ngày 26/5).

Như vậy, mức tăng chung của thị trường chứng khoán giai đoạn này lên tới gần 40% và mức tăng của nhóm cổ phiếu VN30 là gần 58%.

Thực tế, trong 6 tháng qua, ghi nhận trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, chỉ có thị giá VNM (Vinamilk) giảm 15% và BVH (Tập đoàn Bảo Việt), VJC (Vietjet Air) không thay đổi, còn lại 27/30 cổ phiếu đều tăng.

Trong đó, mức tăng tối thiểu là 15-20% với nhóm BIDV (Ngân hàng BIDV), GAS (PV Gas), PLX (Petrolimex), POW (PV Power), SBT (Thành Thành Công - Biên Hòa), VCB (Vietcombank), VIC (Tập đoàn Vingroup).

Ngược lại, mức tăng có thể lên tới ba chữ số nếu chọn các mã như HPG (Hòa Phát), MBB (MBBank), PDR (Phát Đạt), SSI (Chứng khoán SSI), STB (Sacombank), VPB (VPBank), phổ biến ở mức 110-170%.

Ước tính, lợi suất bình quân nếu dùng 14 tỷ đồng giải ngân đều vào 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE đạt xấp xỉ 55%, tương đương khoản tiền lãi ròng gần 8 tỷ đồng.

Nếu nhà đầu tư mạo hiểm hơn, dùng 14 tỷ đồng để đầu tư tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum…) mức lợi nhuận có lên tăng gấp nhiều lần.

Thị trường tiền mã hóa vừa trải qua đợt bán tháo mạnh với hầu hết đồng vốn hóa lớn giảm 30-50% so với đỉnh gần nhất. Tuy nhiên, so với giữa tháng 11/2020, mức tăng bình quân của những đồng tiền mã hóa này vẫn rất cao.

Như Bitcoin, giữa tháng 11/2020, giá đồng tiền mã hóa này mới giao dịch trong khoảng 16.000-17.000 USD/đồng. Đến nay, dù đã giảm 40% từ đỉnh gần nhất, thị giá của Bitcoin vẫn phổ biến ở gần 40.000 USD/đồng, tương đương mức tăng ròng 150%.

Như vậy, nếu đầu tư 14 tỷ đồng vào Bitcoin từ giữa tháng 11/2020 đến nay, nhà đầu tư đã ghi nhận 21 tỷ đồng riêng tiền lãi, bất chấp xu hướng giảm của đồng tiền mã hóa này thời gian qua.

Tương tự, dù đã giảm gần 35% từ đỉnh giữa tháng 5, nhưng so với 6 tháng trước, giá đồng Ethereum hiện vẫn cao hơn tới 480% (hiện ở 2.800 USD/ETH). Mức tăng này tương đương nhà đầu tư có thể ghi nhận khoản tiền lãi trên 70 tỷ đồng nếu dùng 14 tỷ để mua Ethereum hồi tháng 11/2020.

Tương tự, mức tăng của một số đồng tiền mã hóa lớn trong 6 tháng qua đều đạt 3-4 chữ số như Bitcoin cash tăng hơn 200%; Litecoin tăng 230%; XRP tăng gần 300%; Binance Coin tăng gần 1.300%; Cardano tăng 1.600%...

 

Tin mới lên