Thị trường

Đầu tư năng lượng tái tạo: Dồn dập đầu tư, tiềm ẩn rủi ro

(VNF) - Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đã và đang trong giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam. Từ chỗ vắng bóng trên thị trường năng lượng tái tạo, giờ đây Việt Nam đang nổi lên như một điển hình về phát triển nguồn điện thân thiện với môi trường này.

Đầu tư năng lượng tái tạo: Dồn dập đầu tư, tiềm ẩn rủi ro

Dù đến hết tháng 10/2021 cơ chế giá ưu đãi điện gió mới chấm dứt, song từ bây giờ nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy mối nguy cơ hiện hữu.

Bùng nổ đầu tư điện mặt trời, điện gió

Hơn 2 năm nay, ông Nguyễn Văn Huy và cộng sự trong công ty luôn tất bật với những dự án năng lượng tái tạo. Thành công với 2 dự án điện mặt trời ở Bình Thuận, giờ đây ông Huy lại đang đầu tư nghiên cứu nhiều dự án điện gió.

Dấu chân in đậm lên nhiều tỉnh thành phố, ông Huy hiểu rằng Việt Nam có một tiềm năng vô cùng lớn về năng lượng tái tạo với đường bờ biển dài. Những chính sách khuyến khích của Chính phủ về cơ chế giá đã đưa điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam sang một trang mới, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực vốn rất “kén” nhà đầu tư này.

Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực ngày 31/1/2020 cho thấy, tính đến nay, đã có 87 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 4.500 MW vào vận hành thương mại. Trong khi đó, công suất toàn hệ thống điện quốc gia là gần 50.000 MW.

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia ghi nhận một hiện tượng “chưa từng có trong lịch sử 65 năm ngành điện” khi đón nhận gần trăm nguồn điện vào hệ thống chỉ trong một thời gian rất ngắn. Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công. 3 tháng đầu năm 2019, thêm 5 nhà máy. Thế nhưng từ tháng 4 đến tháng 6, có tới 81 nhà máy đóng điện thành công vào hệ thống điện. Chỉ riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW như đã nói ở trên.

Sở dĩ có sự tăng trưởng thần tốc ấy là nhờ cơ chế giá ưu đãi rất hấp dẫn quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019. Theo đó, các dự án vận hành thương mại trước tháng 7/2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/ kWh trong vòng 20 năm. Nếu so với giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh), đó là mức giá rất cao, chỉ xếp sau điện khí và điện chạy dầu.

Khi giá ưu đãi cho điện mặt trời hết thời hạn, thì đến giai đoạn cao trào của điện gió. Tương tự như điện mặt trời, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nguồn điện này. Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút doanh nghiệp đầu tư. Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent). Với mức giá cũ, chỉ có 9 dự án đi vào vận hành với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng khi giá mua điện được nâng lên, tình hình đã khác.

Báo cáo của Bộ Công Thương ngày 20/3/2020 về tình hình điện gió cho thấy, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch là khoảng 4.800 MW, dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió chỉ khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Đặc biệt, tính đến ngày 15/3, ngoài các dự án đã bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương còn nhận được các đề xuất của UBND các tỉnh tổng cộng gần 250 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 45.000 MW.

Như vậy, công suất điện gió đã vượt xa mục tiêu đưa ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Vì thế, trong văn bản ngày 20/3, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất hơn 11.600 MW.

Với điện mặt trời, báo cáo của Viện Năng lượng thực hiện tháng 2/2020 cho thấy giai đoạn đến năm 2025 cần bổ sung khoảng 4.000 MW điện mặt trời, giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung khoảng 5.600 MW.

Sau chuyến công tác tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Trị cuối tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét: Chúng tôi nhìn nhận miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh rất rõ nét trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Đối với hai nguồn điện này, 2 tỉnh như Quảng Trị và Gia Lai có tốc độ gió đo được nhất, nhì ở Việt Nam. Tiềm năng gió, sức gió trong một năm ở khu vực này rất có ưu thế. Điện mặt trời ở Tây Nguyên và Quảng Trị cũng là những vùng tương đối thuận lợi. Mặc dù, không cao như Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng đó cũng là vùng có bức xạ mặt trời tương đối tốt, thuận lợi cho phát triển điện mặt trời.

Lưu ý nhiều bài học đắt giá

Sự phát triển của điện mặt trời, điện gió là tín hiệu mừng vì cung cấp thêm nguồn điện “sạch” cho quốc gia trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện cận kề. Nhưng, sự phát triển quá “nóng” của hai nguồn điện này trong một thời gian ngắn cũng đã và đang đặt ra nhiều câu chuyện cảnh giác.

Chuyện của ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn, chủ đầu tư dự án điện mặt trời ở Thanh Hóa là ví dụ. Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Văn Hoàng cho biết đã trải qua nhiều ngày “ăn không ngon ngủ không yên“. Lý do là dự án điện mặt trời ông đang đầu tư không kịp vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi 2.100 đồng/số. Trong khi đó, từ sau 30/6/2019 đến nay, cơ chế giá điện mặt trời mới vẫn đang được ban hành. Điều đó khiến dự án đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhưng ông Hoàng không phải là trường hợp cá biệt. Cuối năm ngoái, hàng chục nhà đầu tư điện mặt trời trên cả nước đã đồng kiến nghị vào một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm ban hành cơ chế giá cho những dự án điện mặt trời đang đầu tư xây dựng dở dang.

Nhưng đến nay, cơ chế giá điện mới vẫn chưa được ban hành. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang phải “ôm trái đắng” khi nhìn đống tài sản đang đầu tư dang dở phơi nắng, phơi mưa.

Ngoài ra, do các nhà đầu tư dồn dập triển khai điện mặt trời, cho nên nhiều dự án sau khi hoàn thành đã gặp cảnh không thể phát hết điện lên lưới. Bởi lẽ, đường dây quá tải, trầm trọng nhất là ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Điều này khiến nhiều dự án phải bị cắt giảm công suất, chỉ phát lên lưới được 30-40%, ảnh hưởng đến an toàn tài chính.

Còn với điện gió, dù đến hết tháng 10/2021 cơ chế giá ưu đãi mới chấm dứt, song từ bây giờ nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy mối nguy cơ hiện hữu.

Một nhà đầu tư năng lượng tái tạo cảnh báo: Rất ít dự án điện gió có thể kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Lý do là đầu tư điện gió phức tạp hơn điện mặt trời nhiều khi tốn thời gian đo gió, đặt mua trang thiết bị, lắp đặt, xây dựng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang hoành hành khắp nơi.

Cho nên nhiều nhà đầu tư sẽ không kịp đưa dự án vào vận hành trước tháng 11/2021. Vậy nên, mới đây, Công ty TNHH Vòng Tròn Xanh Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác đã có văn bản xin gia hạn thời gian hưởng giá điện gió ưu đãi thêm 1 năm.

Những câu chuyện về đầu tư điện mặt trời, điện gió kể trên cho thấy chính sách khuyến khích của Chính phủ dành cho năng lượng tái tạo đã tạo nên diện mạo mới cho hệ thống năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tránh chạy theo phong trào, cần phải tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào hoàn cảnh như nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đã mắc phải. Đồng thời, những chính sách đầu tư của Nhà nước cần có sự nhất quán, tránh để lại những khoảng trống về giá như điện mặt trời thời gian qua. Có như vậy, nguồn lực tư nhân mới mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần giảm bớt nguy cơ thiếu điện.

Tin mới lên