Học thuật

Đầu tư nước ngoài là gì? Lợi ích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Đầu tư nước ngoài (foreign investment) là gì? Lợi ích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đầu tư nước ngoài là gì? Lợi ích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đầu tư nước ngoài (foreign investment) là khái niệm dùng để chỉ các khoản đầu tư của cư dân (cá nhân, công ty, định chế tài chính, chính phủ, tổ chức quốc tế) thuộc các nền kinh tế nước ngoài .

Đầu tư nước ngoài là gì?

Đầu tư nước ngoài (foreign investment) là khái niệm dùng để chỉ các khoản đầu tư của cư dân (cá nhân, công ty, định chế tài chính, chính phủ, tổ chức quốc tế) thuộc các nền kinh tế nước ngoài vào nền kinh tế trong nước và của cư dân trong nước ra nước ngoài. Đôi khi để tránh nhầm lẫn, người ta nói rõ một khoản đầu tư là đầu tư từ nước ngoài hay đầu tư ra nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài được gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu công ty nước ngoài đầu tư để xây dựng nhà máy và trực tiếp quản lý kinh doanh. Khi các công ty nước ngoài mua cổ phiếu hoặc trái phiếu của các công ty trong nước, người ta gọi đó là đầu tư gián tiếp. Lãi suất, cổ tức, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư nước ngoài có thể được chuyển về nước. Xem cán cân thanh toán.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Lợi ích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Bổ sung cho nguồn vốn trong nước

Trong các lý luận về tăng trưởng kinh tế, nhân tố vốn luôn là một trong những nhân tố được đề cập đến đầu tiên. Khi một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh hơn, nó cần nhiều vốn hơn nữa. Nếu vốn trong nước không đủ, nền kinh tế này sẽ muốn có cả vốn từ nước ngoài, trong đó có vốn FDI.

Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý

Trong một số trường hợp, vốn cho tăng trưởng dù thiếu vẫn có thể huy động được phần nào bằng "chính sách thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, công nghệ và bí quyết quản lý thì không thể có được bằng chính sách đó. Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước có cơ hội tiếp thu công nghệ mới và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích lũy và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, việc phổ biến các công nghệ và bí quyết quản lý đó ra cả nước thu hút đầu tư còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tiếp thu của đất nước.

Tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu

Khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, không chỉ xí nghiệp có vốn đầu tư của công ty đa quốc gia, mà ngay cả các xí nghiệp khác trong nước có quan hệ làm ăn với xí nghiệp đó cũng sẽ tham gia quá trình phân công lao động khu vực. Chính vì vậy, nước thu hút đầu tư sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu thuận lợi cho đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cương giao thương với nhiều nước trên khu vực và trên thế giới.

Tăng số lượng việc làm và đào tạo nhân công

Vì một trong những mục đích của FDI là khai thác các điều kiện để đạt được chi phí sản xuất thấp, nên xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuê mướn nhiều lao động địa phương. Thu nhập của một bộ phận dân cư địa phương được cải thiện sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Trong quá trình thuê mướn đó, đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, mà trong nhiều trường hợp là mới mẻ và tiến bộ ở các nước đang phát triển thu hút FDI, sẽ được xí nghiệp cung cấp. Điều này tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng cho đất nước đồng thời thu hút FDI. Không chỉ có lao động thông thường, mà cả các nhà chuyên môn địa phương cũng có cơ hội làm việc và được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn thu ngân sách lớn

Đối với nhiều nước đang phát triển, hoặc đối với nhiều địa phương, thuế do các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp là nguồn thu ngân sách quan trọng chiếm phần không nhỏ trong tổng thu của cả tỉnh. Chẳng hạn, ở Hải Dương riêng thu thuế từ công ty lắp ráp ô tô Ford chiếm 50 phần trăm số thu nội địa trên địa bàn tỉnh năm 2006.

Tin mới lên