Học thuật

Đầu tư trực tiếp là gì? Tác động qua lại giữa thể chế và FDI

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu đầu tư trực tiếp (direct investment) là gì? Tác động qua lại giữa thể chế và FDI.

Đầu tư trực tiếp là gì? Tác động qua lại giữa thể chế và FDI

Đầu tư trực tiếp (direct investment) là những khoản chi tiêu để mua các tài sản hiện vật như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hàng tồn kho

Đầu tư trực tiếp là gì?

Đầu tư trực tiếp (direct investment) là những khoản chi tiêu để mua các tài sản hiện vật như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hàng tồn kho

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, có nhiều lí thuyết nghiên cứu các yếu tố tác động đến dòng vốn FDI, điển hình là lí thuyết vòng đời sản phẩm của Vernon (1966), lí thuyết theo chiều ngang và theo chiều dọc của Caves (1971), lí thuyết chiết trung của Dunning (1980), lí thuyết chiến lược FDI của Graham (1978).

Theo các lí thuyết này, động cơ của doanh nghiệp FDI là khai thác nguồn nguyên liệu giá rẻ, tài nguyên dồi dào, quy mô thị trường và chi phí lao động thấp của nước sở tại. Bên cạnh đó, giả thuyết nơi  ẩn giấu ô nhiễm (Pollution Haven Hypothesis) lại cho rằng động cơ của một số doanh nghiệp FDI là tìm chỗ để giấu ô nhiễm, và các nước đang phát triển với các quy định lỏng lẻo về môi trường là điểm đến của các doanh nghiệp này (He, 2006).

Theo quan điểm này, chất lượng thể chế thấp sẽ hấp dẫn các công ty FDI gây ô nhiễm. Tuy nhiên, qua lăng kính của lí thuyết thể chế, North (1990) đã khẳng định rằng thể chế sẽ thiết lập ra “quy tắc của cuộc chơi” mà các tổ chức và công ty đa quốc gia phải tuân theo trong quá trình theo đuổi mục đích kinh doanh của họ.

Theo ông, thể chế tốt sẽ làm giảm mức độ không chắc chắn, cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tương tác với nhau một cách có hiệu quả. Như vậy, chất lượng thể chế tốt sẽ làm giảm chi phí giao dịch, tăng lợi nhuận và thúc đẩy đầu tư.

Ngoài ra, lí thuyết chiết trung của Dunning (1980) cũng cho thấy một công ty đa quốc gia quyết định đầu tư vào nước tiếp nhận khi đạt được ba lợi thế: (1) Quyền sở hữu (Ownership – bao gồm lợi thế về tài sản và tối thiểu hóa chi phí giao dịch); (2) vị trí (Location – bao gồm tài nguyên, quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng, quản trị và chính sách của chính phủ); (3) nội hóa (Internalization – bao gồm lợi thế về kiểm soát và thực hiện hợp đồng, thông tin minh bạch, bản quyền phát minh sáng chế).

Trong khung phân tích này, quản trị và thể chế được xem như một yếu tố thuộc về vị trí, có thể thúc đẩy hoặc ngăn chặn dòng vốn đầu tư.

Tác động qua lại giữa thể chế và FDI

Chất lượng thể chế tác động tích cực lên dòng vốn FDI

Các lí thuyết và nghiên cứu về thể chế đã xác định các nhân tố tác động đến chất lượng thể chế bao gồm: Độ mở thương mại (Ades & Tella, 1999; Fukumi & Nishijima, 2010); dân chủ hóa (Lederman & cộng sự, 2005; Adsera & cộng sự, 2003); thu nhập (La Porta & cộng sự, 1999); giáo dục (Glaeser & cộng sự, 2004; Alonso & Garcimartín, 2013); mức độ phát triển (Alonso & Garcimartín, 2013); và FDI (Long & cộng sự, 2015).

Theo cách nhìn của lí thuyết về thể chế hóa, Westney (1993) đã khám phá vai trò quan trọng của các công ty đa quốc gia trong việc cải thiện mô hình tổ chức và quản trị ở nước sở tại thông qua hệ thống các công ty con và qua đó giúp cải thiện chất lượng thể chế.

Ngoài ra, FDI còn có thể tác động đến chất lượng thể chế thông qua một số kênh khác như sau:

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài có thể buộc các nhà lãnh đạo địa phương cải cách thể chế bằng nguy cơ rút vốn, lấy đi cơ hội việc làm và doanh thu từ thuế của địa phương (Malesky, 2008).

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cung cấp cho các nhà lãnh đạo địa phương những thông tin hữu ích về luật pháp và các quy định ở nước mình và các nước khác mà họ đang hoạt động (Prakash & Potoski, 2007).

Thứ ba, dòng vốn FDI cao hơn có thể giúp cho chính quyền địa phương tự chủ hơn để thực hiện các chính sách đổi mới thể chế (Malesky, 2008; Dang, 2013). Cuối cùng, FDI giảm tham nhũng bằng cách thúc đẩy cạnh tranh (Ades & Tella, 1999). Do đó, giả thuyết thứ hai của nghiên cứu được thiết lập:

FDI tác động dương lên chất lượng thể chế

Các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa FDI và thể chế có thể được chia thành hai nhóm chính: (1) Nhóm thứ nhất tập trung nghiên cứu về tác động của thể chế lên thu hút FDI; (2) nhóm thứ hai là một số ít các nghiên cứu về tác động của FDI đối với việc cải thiện chất lượng thể chế.

Có ít nhất ba lí do ủng hộ quan điểm cho rằng chất lượng thể chế là một nhân tố quan trọng trong thu hút FDI: (1) Các thể chế tốt – chẳng hạn như quyền sở hữu và pháp quyền – sẽ cải thiện việc phân bổ nguồn lực, triển vọng tăng năng suất, và khuyến khích đầu tư (Kaufmann & cộng sự, 2002; Acemoglu & cộng sự, 2005);

(2) Quản trị kém hoặc môi trường thể chế nghèo nàn sẽ tạo ra môi trường rủi ro và bất định, và điều này là bất lợi cho dòng vốn FDI bởi FDI rất dễ bị tổn thương do chi phí chìm cao (Rodrik & cộng sự, 2004);

(3) Chất lượng thể chế kém như tham nhũng (Shleifer & Vishny, 1993); hoặc tội phạm (Daniele & Marani, 2011) làm tăng chi phí kinh doanh và do đó làm nản lòng nhà đầu tư.

Chính vì thế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh dòng vốn FDI bị ảnh hưởng đáng kể bởi một số khía cạnh của thể chế như: Trách nhiệm giải trình dân chủ và rủi ro chính trị (Busse & Hefeker, 2007); quyền sở hữu trí tuệ, mức độ can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh, và thực thi hợp đồng (Du & cộng sự, 2008); tư nhân hóa và bất ổn chính trị (Trevino & cộng sự, 2008); tự do kinh tế, các quyền chính trị và tự do dân sự (Tintin, 2013); bất ổn chính trị (Lucke & Eichler, 2015); và luật pháp về hợp đồng (Xu & cộng sự, 2017).

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không tìm ra được tác động tích cực hoặc tuyến tính của một số phương diện thể chế lên FDI. Chẳng hạn, Kandil (2009) không tìm thấy bằng chứng để ủng hộ lập luận rằng cải thiện chất lượng thể chế là một yếu tố chính trong việc thu hút FDI đến các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Middle East and North Africa – MENA).

Bellos và Subasat (2011) kết luận rằng tham nhũng không ngăn cản FDI ở 15 nước chuyển đổi. Farla và cộng sự (2016) cho thấy không có bằng chứng về mối quan hệ tích cực giữa "quản trị tốt" và mức đầu tư cao hơn, cũng như sự tương tác giữa đầu tư nước ngoài và quản trị có ảnh hưởng tích cực lên tổng đầu tư. Iloie (2015) chứng minh rằng không có bằng chứng rõ ràng về sự liên kết giữa FDI, chỉ số nhận thức tham nhũng và mức rủi ro quốc gia. Kurul (2017) kết luận rằng chất lượng thể chế không ảnh hưởng tích cực đến FDI cho đến khi thể chế vượt qua một ngưỡng nhất định.

Tác động của FDI đối với việc cải thiện chất lượng thể chế

Ảnh hưởng của chất lượng thể chế đối với FDI đã thu hút nhiều nghiên cứu như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các nghiên cứu về tác động của FDI đối với việc cải thiện chất lượng thể chế của nước chủ nhà. Kwok và Tadesse (2006) kết luận rằng các công ty đa quốc gia có thể giúp cải thiện thể chế, được đo bằng tham nhũng tại các nước tiếp nhận thông qua ba con đường: Hiệu quả áp lực của pháp luật (Regulatory Pressure Effect), hiệu quả biểu thị (Demonstration Effect), và hiệu quả chuyên nghiệp hóa (Professionalization Effect).

Ở cấp độ tỉnh, thành, Dang (2013) cho thấy FDI có tác động tích cực đến thể chế các địa phương (được đo bằng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh), bao gồm: Mức độ cạnh tranh, các quy định về kinh doanh, trách nhiệm giải trình và quyền sở hữu ở 60 tỉnh của Việt Nam; và tác động này mạnh hơn đối với các tỉnh phía Bắc so với mức trung bình của cả nước.

Trong khi đó, Long và cộng sự (2015) cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy sự có mặt của FDI đã ảnh hưởng tích cực đến chất lượng thể chế (được đo bằng gánh nặng thuế, phí và chất lượng pháp quyền) tại các khu vực ở Trung Quốc và FDI đã giúp các khu vực này cải thiện môi trường thể chế cho các công ty trong nước.

Mối quan hệ hai chiều giữa FDI và chất lượng thể chế gần như bị bỏ qua trong nghiên cứu thực nghiệm, ngoại trừ một vài nghiên cứu hiếm hoi. Ở cấp độ khu vực, kết quả nghiên cứu của Fukumi và Nishijima (2010) cho thấy FDI có thể nâng cao chất lượng thể chế, trong khi chất lượng thể chế tốt hơn thu hút nhiều FDI hơn vào các nước Mỹ Latinh và Caribê. Ở cấp độ quốc gia, Shah và cộng sự (2015) tìm ra sự hiện diện của mối quan hệ nhân quả hai chiều dài hạn giữa thể chế và FDI trong ngành dịch vụ và sản xuất ở Pakistan; trong ngắn hạn, mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng thể chế và FDI khu vực sản xuất được khẳng định trong khi không tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng thể chế và FDI trong lĩnh vực dịch vụ.

Từ lược khảo các nghiên cứu trước, tác giả rút ra một số nhận xét như sau: (1) Đa số các nghiên cứu tập trung vào xem xét tác động của chất lượng thể chế lên việc thu hút FDI, các nghiên cứu về tác động của FDI đối với việc cải thiện thể chế vẫn còn hiếm, nhất là mối quan hệ hai chiều giữa hai biến số này; (2) các nghiên cứu trước chỉ mới xem xét các khía cạnh đơn lẻ của thể chế như: Tham nhũng, quyền sở hữu, dân chủ… trong từng nghiên cứu; (3) bối cảnh nghiên cứu của các nghiên cứu trước là các nền kinh tế đang chuyển đổi, châu Mỹ Latinh và Caribê, khu vực Trung Đông và Bắc Phi; và (4) chưa có nghiên cứu nào về mối quan hệ hai chiều giữa FDI và chất lượng thể chế tại các nước châu Á.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra mối quan hệ hai chiều giữa FDI và chất lượng thể chế tại các nước châu Á với một bộ chỉ số chất lượng thể chế tổng hợp toàn diện hơn. Căn cứ vào cơ sở lí thuyết vừa trình bày ở trên, tác giả dự báo mối quan hệ hai chiều này là đồng biến trong bối cảnh các nước châu Á.

Tin mới lên