Tiêu điểm

ĐBQH Bùi Văn Phương: 'Đã làm đúng thì ngại gì kiểm toán, ngại gì thanh tra'

(VNF) - Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng nếu nhà đầu tư PPP đã làm đúng, tuân thủ đúng pháp luật thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra

ĐBQH Bùi Văn Phương: 'Đã làm đúng thì ngại gì kiểm toán, ngại gì thanh tra'

Đại biểu Bùi Văn Phương

'Không công khai, minh bạch, người dân sẽ nghi kị'

Quốc hội hôm 28/5 đã thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (luật PPP). Đây là dự thảo luật rất quan trọng, có nhiều vấn đề gây ra những luồng ý kiến trái chiều.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là phạm vi kiểm toán dự án PPP của Kiểm toán Nhà nước (một phần hay toàn bộ dự án PPP).

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng dự án PPP là dự án đầu tư công, vì: dự án do nhà nước chủ trì, đứng ra để mời gọi thêm nhà đầu tư tư nhân tham gia; dự án được lập dựa trên chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước, chỉ khác là do nhà nước chưa đủ tiền làm ngay nên cần có sự hợp tác với tư nhân.

Một khía cạnh khác cho thấy PPP là đầu tư công là dự án này phải do các cấp có thẩm quyền quyết định gồm: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và hội đồng nhân dân. Phần do nhà đầu tư tư nhân thực hiện được nhà nước hoàn trả lại, hoặc bằng công trình/đất đai, hoặc bằng thời gian thu phí...

"Tôi cho bản chất của hợp tác công tư ở đây là đầu tư công và đã là đầu tư công thì chúng ta phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán", ông Phương nói.

Theo ông Phương, có 3 vấn đề cần phải tính toán để kiểm toán. Thứ nhất là kiểm toán tính tuân thủ, xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng các quy định của hợp đồng và các quy chế của dự án này không?

"Đây là một yêu cầu số một và phải được làm ngay từ ban đầu. Bởi vì nếu chúng ta kiểm toán một cách chuẩn mực thì sẽ không có tình trạng các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí kiểu làm đường tránh nhưng lại đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1.

"Tôi lấy ví dụ, gần đây, Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị nhà nước trả tiền cho mấy dự án, như dự án ở đường tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa nhưng lại đặt trạm thu phí ở trên Quốc lộ 1, đoạn chỗ Bỉm Sơn, khiến người dân phản ứng. Nếu kiểm toán tuân thủ được thực hiện nghiêm túc thì sẽ không thể có chuyện làm đường một nơi và đặt trạm một nơi như thế", ông Phương dẫn chứng.

Vấn đề thứ hai, theo ông Phương, là kiểm toán giá trị công trình để tính hiệu quả kinh tế. Ông cho rằng phải kiểm toán ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án, vì điều này liên quan đến trách nhiệm phải trả của nhà nước đối với nhà đầu tư.

Ví dụ dự án BT là nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng, hoàn thiện công trình, sau đó bàn giao lại cho nhà nước và nhà nước phải trả lại toàn bộ phần chi phí cho nhà đầu tư bằng tài sản công hoặc bằng hình thức khác.

Như vậy, nếu không kiểm toán giá trị công trình dự án sau khi kết thúc phần đầu tư thì lấy căn cứ đâu để chúng ta tính việc mà trả nợ cho nhà đầu tư bằng các tài sản công khác. "Tôi cho đây là vấn đề cần thiết, phải được tính toán, phải được xem xét kỹ lưỡng", ông Phương nói.

Vấn đề thứ ba là kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án. Ông Phương cho rằng đây là việc cần làm để đảm bảo công khai, minh bạch.

"Tôi lấy ví dụ dự án đường phía Tây thành phố Thanh Hóa, đường tránh. Nếu chúng ta kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả của dự án này thì chắc chắn sẽ không ai đồng ý cho triển khai dự án đó".

Ông Phương nhấn mạnh: "Không muốn kiểm toán, ngại kiểm toán là những điều không bình thường. Nhà nước đã kêu gọi hợp tác công tư thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhà nước, người dân và nhà đầu tư, không bao giờ để nhà đầu tư chịu thua thiệt. Một khi đã làm đúng, một khi tuân thủ đúng pháp luật thì tôi nghĩ không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra. Còn nếu ngại đối mặt với những việc đó là những điều không bình thường và chúng ta đã có bài học đầy đau xót về sai phạm trong thời gian vừa qua".

Vị đại biểu của tỉnh Ninh Bình trăn trở: "Nếu được kiểm toán một cách thật chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng thì đối với việc chúng ta chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, người dân sẽ không bao giờ có gì phải thắc mắc".

"Chúng ta không tuân thủ đầy đủ, tính công khai và minh bạch không có thì người dân sẽ liên tục trong tình trạng nghi kỵ, nghi ngờ là có gì đó ở phía đằng sau. Thực tế rõ ràng là có gì đó phía sau rồi và một loạt cán bộ chúng ta bị xử lý. Đó là những bài học rất đau xót trong quá trình chúng ta thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến đầu tư công", ông Phương thẳng thắn.

'Kiểm toán toàn diện là không hợp lý'

Không đồng tình với quan điểm với đại biểu Bùi Văn Phương, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) cho rằng PPP là hợp tác công - tư chứ không phải đầu tư công thuần túy.

"Từ quá trình triển khai dự án đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, tôi cho rằng nếu đặt vấn đề chúng ta kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý", ông Sinh nói.

Ông Sinh nhận định dự luật đã thiết kế về phạm vi kiểm toán rất rõ ràng. Theo đó, có ba nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án. Một là kiểm toán tuân thủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu. Hai là kiểm toán toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ đầu ra cung cấp cho xã hội. Ba là kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

"Những cấu phần nào hoặc những dự án thành phần nào hoàn toàn độc lập, sử dụng ngân sách nhà nước thì được kiểm toán một cách toàn diện theo Luật Đầu tư công. Còn những phần có cấu phần có liên quan đến vốn nhà nước và vốn tư nhân hoặc là hoàn toàn vốn tư nhân thì trong luật đã quy định là cơ quan ký hợp đồng phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập kiểm toán một cách minh bạch.

"Tôi cho rằng cách thiết kế như vậy vừa đúng với Hiến pháp và hoàn toàn không trái với Hiến pháp và đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của nhân dân và tôi cho như vậy là rất hợp lý", ông Sinh nhấn mạnh.

Góp thêm một góc nhìn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng PPP là một loại hình không hẳn là công cũng không hẳn là tư cho nên việc áp dụng kiểm toán không thể áp dụng theo kiểm toán công toàn bộ và cũng không thể để một cơ chế tư toàn bộ.

Ông Thành lưu ý 2 điểm. Thứ nhất là xem xét kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án và quá trình xây dựng, nếu cần thiết thì kiểm toán cả phần vốn của nhà nước theo các danh mục cụ thể (nếu có) và phần vốn mà nhà đầu tư đóng góp nhưng dưới góc độ tổng thể dự án.

"Tôi lưu ý là chúng ta kiểm toán phần vốn dự án nhưng không kiểm toán như quy định hiện hành mà chỉ kiểm toán ở một số các chỉ số và nội dung phù hợp, nếu không chúng ta sẽ gây những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư. Đây là một điểm tôi hết sức lưu ý trong quá trình chúng ta quy định", ông Thành nói và nhấn mạnh đây cũng là cơ sở để tiến hành kiểm toán bước 2, tức là kiểm toán hoạt động của dự án để đánh giá các chỉ số chất lượng hoạt động của dự án và chỉ số phân chia lợi nhuận cũng như chia sẻ rủi ro.

Nội dung thứ hai ông Thành đề nghị phải xem xét là thời điểm tiến hành kiểm toán. Vấn đề quan trọng là xác định thời điểm tiến hành kiểm toán để thuận lợi cho doanh nghiệp và vẫn phải bảo đảm kiểm toán chặt chẽ.

Theo ông, chỉ nên xác định kiểm toán ở 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. Giai đoạn này kiểm toán cả quá trình đầu tư, quá trình thủ tục, phần vốn nhà nước đóng góp, phần vốn của tư nhân đóng góp và tổng thể dự án trên cơ sở một số các chỉ tiêu cơ bản.

Giai đoạn thứ hai là khi dự án đã đi vào vận hành trong một thời gian ổn định. Lúc này, cơ quan nhà nước sẽ kiểm toán các chỉ số liên quan đến chất lượng dịch vụ và một số chỉ số cơ bản để đánh giá hiệu quả của dự án.

Trường hợp cuối cùng là khi chuyển giao cho nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán toàn bộ phần vốn.

"Về cơ bản chỉ có 2 giai đoạn đầu, hiện nay chúng ta chia ra một quy trình như thế tôi cho là vừa thiếu, vừa thừa và không được đầy đủ", ông Thành nêu quan điểm.

'4 cuộc kiểm toán là quá nhiều'

Bình luận về quy định kiểm toán, đại biểu Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang) cho rằng một dự án mà thực hiện 4 cuộc kiểm toán là quá nhiều.

Cụ thể, theo ông Vinh, việc kiểm toán khi mới bắt đầu triển khai dự án là quá sớm. "Lúc này đã có nội dung gì đâu. Dự án thường điều chỉnh, sửa đổi, liệu kiểm toán ban đầu có đảm bảo sau này không có sai phạm hay không? Huống chi kiểm toán ban đầu đó cũng không phải là chứng chỉ để sau này không phải kiểm toán nữa".

Khoản 2 là kiểm toán phần vốn nhà nước. "Tại điểm a, điểm b, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án chỉ một phần rất nhỏ. Điểm c là kiểm toán phần tài sản công nhà nước thanh toán với nhà đầu tư nhưng chúng ta lại không biết giá trị công trình như thế nào thì như vậy đã hợp lý chưa? Tài sản công ở đây có thể là tiền, mà tiền thì kiểm toán làm gì!", ông nói.

Khoản 3 là kiểm toán hoạt động. Theo ông Vinh, kiểm toán hoạt động chỉ căn cứ vào chỉ số về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả thì làm sao toàn diện được. Kiểm toán hoạt động phải đánh giá toàn diện thì mới đưa ra được đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả.

Khoản 4 là kiểm toán khi chuyển giao cho nhà nước. Ông Vinh cho rằng việc kiểm toán lúc này là muộn.

"Nếu kiểm toán một dự án có thu phí của người dân, qua kiểm toán phát hiện đã thu quá một số thời gian, ví dụ 5 năm, 5 năm đó ta thu phí của người dân rồi, vậy trả lại cho người dân như thế nào? Nếu nộp vào ngân sách nhà nước thì cũng không công bằng đối với người dân đã trả phí. Tóm lại, tôi đề nghị hoạt động kiểm toán nên thực hiện theo Luật Kiểm toán", ông Vinh nói.

Tin mới lên