Tiêu điểm

ĐBQH đề nghị sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh để 'tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy'

(VNF) - Thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 26/10, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. Ông Hạ khẳng định, đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

ĐBQH đề nghị sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh để 'tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy'

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Ông Hạ cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. “Nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh”, đại biểu Hạ nói và băn khoăn, như vậy còn đâu cho chi đầu tư phát triển.

Đại biểu dẫn ví dụ, nhìn sang các nước láng giềng, có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành.

Theo ông, gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ thực tiễn kinh nghiệm trên, ông đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.

Ông Hạ khẳng định, đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Tinh giản biên chế còn nặng tính cơ học

Cũng quan tâm đến việc tinh giản biên chế, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhận xét, vừa qua Chính phủ đã triển khai khá quyết liệt. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách nhà nước... tạo ra chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu, số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%, tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc.

"Đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng", đại biểu Phạm Xuân Thăng nói.

Đại biểu Cao Đình Thưởng, Ủy viên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho hay, việc sắp xếp tinh giản bộ máy là chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế của bộ máy, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện, triển khai trong thời gian qua của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, mỗi nơi một cách khác nhau.

Trong khi chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng, nhiều băn khoăn vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy quản lý mang tính cơ học. “Như việc sáp nhập giữa cơ quan đảng với cơ quan nhà nước, sáp nhập các phòng, ban, sở, ngành, một số tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp… chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và các quy định của pháp luật”.

Ông Thưởng đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo việc thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Đề cập đến tình trạng “phạt cho tồn tại”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đề nghị phải chấm dứt ngay, vì rất nhiều sự việc hiện nay đang bức xúc và gây nhiều hậu quả. Theo ông, phạt cho tồn tại là sự tích tụ huỷ hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Như vụ việc diễn ra ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng qua mà tay xã hội đen đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền; hay vụ việc nảy sinh ở khu vực phòng vệ Sóc Sơn.

"Rõ ràng bộ máy chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng sẽ có những cái lọt qua tay", ông Quốc khẳng định.

Ông Quốc cũng nhận xét, ở văn bản báo cáo của Chính phủ, vấn đề an ninh quốc phòng viết rất nhẹ nhàng, chỉ nêu vấn đề đấu tranh bảo vệ lãnh thổ còn nhiều khó khăn. Hai chữ Biển Đông không hề được nhắc đến.

"Biển Đông là không gian lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của đất nước. Chúng ta không những bảo vệ chủ quyền mà còn đấu tranh đòi lại chủ quyền. Chúng ta cùng với thế giới quan tâm đến lợi ích chung về việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, nhưng cũng không thể phó mặc cho thiên hạ làm", ông nói và cho rằng báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi người ta thấy ở đó hai chữ Biển Đông.

Ông cũng nêu thực tế xung đột thương mại Mỹ Trung đang tác động trực tiếp đến Việt Nam, dự báo của các nhà nghiên cứu cho thấy Việt Nam có khả năng hưởng lợi hoặc chịu hại tuỳ thuộc vào ứng xử. "Nhưng hầu như điều này báo cáo của Chính phủ cũng không nhắc tới, ngay cả việc chuẩn bị tâm thế, vì rất có thể chúng ta rơi vào cái bẫy để các quốc gia lợi dụng cũng không nhắc tới", đại biểu Dương Trung Quốc cho hay.

 

Tin mới lên