Tiêu điểm

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm ‘đấu’ Chủ tịch VCCI về quy định giờ làm thêm

(VNF) – Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 23/10 chứng kiến màn tranh luận của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. HCM) về quy định giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm ‘đấu’ Chủ tịch VCCI về quy định giờ làm thêm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường.

Ông cho rằng việc rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Lộc nhấn mạnh việc giảm giờ làm trong điều kiện hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động mà chỉ làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên, giảm cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp buộc thu hẹp sản xuất thì ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm đối với một số ngành nghề đặc biệt.

“Làm thêm giờ là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế đã xác nhận 99% hợp đồng lao động ngoài giờ ở nước ta là sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên.

“Tổ chức Lao động quốc tế cũng cảnh báo hiện tượng 70% doanh nghiệp không tuân thủ giới hạn tối đa (300 giờ/năm) và điều này phản ánh rằng tăng giờ làm thêm là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, việc Chính phủ đề xuất tăng giờ làm thêm là phù hợp”, ông Lộc nói.

Ông Lộc nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nông sản, dệt may, da giày, điện tử là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đây cũng là ân nhân của chúng ta trong việc tạo việc làm, thúc đẩy hội nhập, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Phát triển những doanh nghiệp trong ngành này là lợi ích cốt lõi của chúng ta trong hội nhập và chúng ta đã phải đánh đổi để có được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Đừng để những lợi ích này vuột khỏi tay chúng ta khi để thể chế bó tay, bó chân các doanh nghiệp”.

Tranh luận với ý kiến của ông Lộc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (cựu Chủ tịch HĐND TP. HCM), cho rằng khi nói đến vấn đề giờ làm, chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ, tâm thế của họ khi đến làm việc, nhìn vào những đứa trẻ mà họ phải gửi về quê.

“Có người mẹ, người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí một năm, hai năm chưa về thăm được con" - bà Tâm nghẹn ngào - "Có những người ông, người bà rất già vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc. Ta trân trọng những người như thế, vì họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội, họ phải đi tìm việc làm"

“Thế mà lại nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày. Họ tự nguyện? Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm để có thu nhập. Vậy thì vai trò của Quốc hội ở đây là phải làm chính sách thế nào để người công nhân có thu nhập đủ sống, đủ trang trải, để họ có thời gian học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp đã quy định”, bà Tâm phản bác lập luận của ông Vũ Tiến Lộc.

Cựu Chủ tịch HĐND TP. HCM cũng chất vấn Chủ tịch VCCI: “Đại biểu phát biểu như vậy thì đại biểu có nghĩ đến quy định trong Hiến pháp về quyển con người không? Tôi cho rằng trong vấn đề giờ làm, phải nghĩ đến trách nhiệm của giới chủ, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là tình người với người lao động nữa. Tôi xin phép nói thêm rằng nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người đã được Hiến định; là tình người trong sử dụng lao động”.

Bà Tâm cũng cho rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của con người mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc.

“Đấy là sự tiến bộ của xã hội. Nhưng sự tiến bộ của xã hội sẽ ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động”, bà nói.

Tin mới lên