Bất động sản

ĐBQH Phạm Văn Hòa: 'Mong lời hứa đầu tư 2 tỷ USD cho ĐBSCL sớm thành hiện thực'

(VNF) - Nhắc lại buổi làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã hứa đầu tư 2 tỷ USD cho vùng, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa mong lời hứa thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.

ĐBQH Phạm Văn Hòa: 'Mong lời hứa đầu tư 2 tỷ USD cho ĐBSCL sớm thành hiện thực'

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa.

Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, cùng lúc thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giao vốn đầu tư công.

Đại biểu Hòa cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, có quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm cổ phần hóa thì mới có thể tiến trình cổ phần hóa thuận lợi.

Theo ông Hòa, Bộ Giao thông Vận tải có quy hoạch chuyên ngành giao thông giai đoạn 2021-2025 vùng ĐBSCL có một số đường cao tốc như Cần Thơ - Sóc Trăng, Cà Mau - Hà Tiên, Rạch Giá - Mỹ An, Cao Lãnh - Rạch Sỏi, bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng... giúp cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

"20 triệu dân trong vùng được tin rất phấn khởi, là tín hiệu lạc quan cho nhu cầu giao thông sau này, sẽ rất phù hợp để phát triển nông nghiệp quy mô lớn cho vùng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển giao thông hiện nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Rất kính mong Chính phủ có quan tâm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án này", ông Cường nói.

Nhắc lại cuộc làm việc với các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đã hứa đầu tư 2 tỷ USD vốn vay cho vùng, đại biểu Phạm Văn Hòa mong lời hứa này thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển bền vững ĐBSCL là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. Thời điểm đó, Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của WB, Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển ĐBSCL.

Tin mới lên