Tài chính quốc tế

Đe doạ trừng phạt mọi mặt, Mỹ vẫn nhập khẩu uranium từ Nga

(VNF) - Mặc dù đã áp dụng những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt và mới đây còn khẳng định sẽ cô lập Nga hơn nữa trên hệ thống kinh tế thế giới, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu uranium của Nga với giá thành rẻ.

Đe doạ trừng phạt mọi mặt, Mỹ vẫn nhập khẩu uranium từ Nga

Sản xuất uranium của Nga được kiểm soát bởi Rosatom, một công ty nhà nước được thành lập năm 2007. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, đại diện ngành điện hạt nhân Mỹ, bao gồm Viện Năng lượng Quốc gia (NEI), một nhóm thương mại của các công ty sản xuất điện hạt nhân của Mỹ là Duke Energy Corp (DUK.N) và Exelon Corp (EXC.O), đang vận động Nhà Trắng cho phép tiếp tục nhập khẩu uranium từ Nga bất chấp xung đột leo thang ở Ukraine.

Các nguồn tin cho biết hoạt động vận động hành lang của NEI nhằm đảm bảo rằng uranium không bị vướng vào bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến năng lượng trong tương lai, đặc biệt là khi Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

Trước đó, Washington và các đồng minh đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow khi các lực lượng Nga tiến sâu vào nước láng giềng Ukraine, nhưng những lệnh trừng phạt này không cấm mua bán uranium và các giao dịch tài chính liên quan.

Nguyên nhân dẫn tới việc NEI vận động Mỹ không trừng phạt uranium từ Nga là do Mỹ hiện vẫn đang nhập khẩu uranium với giá rẻ từ Nga. Nguồn nguyên liệu giá rẻ chính là “chìa khoá” để giữ giá điện Mỹ ở mức ổn định.

Hiện tại ở Mỹ không sản xuất hoặc chế biến uranium, mặc dù một số công ty cho biết họ muốn tiếp tục sản xuất trong nước nếu họ có thể ký hợp đồng cung cấp dài hạn với các nhà sản xuất điện hạt nhân.

Úc và Canada cũng có trữ lượng lớn uranium và có khả năng chế biến ở châu Âu. Nhưng Nga và các vệ tinh của họ là những nhà sản xuất rẻ nhất. Trong khi đó, chính quyền Biden đang nỗ lực để giữ cho chi phí năng lượng của Mỹ ở mức thấp.

NEI cho biết họ đang đang dạng hoá nguồn cung uranium, nhưng theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, năm 2020, Nga, Kazakhstan và Uzbekistan đã cung cấp khoảng 22,8 triệu pound (10,3 triệu kg) uranium – tương đương một nửa lượng uranium cho các nhà máy hạt nhân của Mỹ, do đó sản xuất khoảng 20% điện năng của Mỹ.

Uranium được sử dụng làm nhiên liệu bên trong các lò phản ứng để đạt được sự phân hạch hạt nhân để đun sôi nước và tạo ra hơi nước làm quay các tuabin để tạo ra điện.

Việc sản xuất uranium của Nga được kiểm soát bởi Rosatom, một công ty nhà nước do Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập vào năm 2007. Công ty này là một nguồn thu quan trọng của đất nước.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020 đã đề xuất chi 150 triệu USD để tạo ra một nguồn dự trữ uranium chiến lược và các quan chức chính quyền Biden cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này.

Trước nguy cơ về cuộc chiến tại Ukraine có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn và ảnh hưởng tới nguồn cung uranium, nhiều công ty đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ngoài lãnh thổ Nga.

Công ty điện lực Thụy Điển Vattenfall AB (VATN.UL) tuần trước cho biết họ sẽ ngừng mua uranium của Nga cho các lò phản ứng hạt nhân của mình cho đến khi có thông báo mới, với lý do xung đột Ukraine.

Xem thêm >>Exxon rút khỏi Nga, Apple cùng loạt công ty ngừng cung cấp sản phẩm

Từ khoá: uranium, Nga, Mỹ,
Tin mới lên