Ngân hàng

Để giải 'cơn khát' vốn cho doanh nghiệp

(VNF) - Các doanh nghiệp thành lập mới, vừa quay trở lại hoạt động cũng như các doanh nghiệp đã kiên trì chống chọi với dịch bệnh suốt thời gian qua rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể phục hồi và phát triển.

Để giải 'cơn khát' vốn cho doanh nghiệp

Trong tình cảnh “khát” vốn, việc tiếp cận tín dụng của nhiều doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn.

Từng trụ được qua hai năm dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp lại trở nên kiệt sức khi nền kinh tế bắt đầu hồi sinh. Nguyên do là không có hoặc có rất ít doanh thu trong khi vẫn phải chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản chi phí khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức tối thiểu. Bên cạnh đó, các tác động bất lợi lại dồn dập đến: chi phí nguyên vật liệu cho sản xuất tăng cao, giá nhiên liệu leo thang làm tăng áp lực lên chi phí logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn hai năm dịch.

Trong tình cảnh “khát” vốn, việc tiếp cận tín dụng của nhiều doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực tài chính chưa cao do hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bach chứng từ, báo cáo tài chính. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác. Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ngay cả việc nới room tín dụng vào ngày 7/9 vừa qua cho một số ngân hàng thương mại từ 0,7% đến 4% cũng chưa thể giải quyết được bài toán thiếu vốn của doanh nghiệp hiện tại.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do: không có tiền trả lương cho người lao động dẫn đến mất nguồn nhân lực và không có vốn để kinh doanh, đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, việc đề ra các biện pháp để giải bài toán về vốn cho các doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách. Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình tài chính hiện có và năng lực, sở trường của doanh nghiệp. Song song với đó là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp thông qua hệ thống đào tạo quản trị về tài chính.

Minh bạch về tài chính để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng cũng là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải tính các phương án huy động các nguồn vốn khác nhau như phát hành trái phiếu, thu hút FDI, nguồn vốn đầu tư tư nhân …. để giảm sự rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Đối với các ngân hàng, điều đầu tiên là phải thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội trong việc xử lý nợ xấu, bởi đây là “cục máu đông” làm cản trở việc nới room cho cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, các ngân hàng cần nâng cao và đổi mới công nghệ, giảm chi phí quản trị sẽ giảm được lãi suất cho vay; xem xét, đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, điều quan trọng là cần nắm sát tình tình diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và lãi suất phù hợp; cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, các giải pháp khơi thông vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư…. một cách hợp lý, lành mạnh và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cung ứng vốn qua các nghiệp vụ thị trường mở và các nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu nhằm tạo điều kiện tối đa để cho các doanh nghiệp được tiếp cận về vốn.

Tin mới lên