Ngân hàng

Đề xuất cho phá sản ngân hàng mà không cần áp dụng biện pháp phục hồi

(VNF) – TCTD nói chung và các ngân hàng nói riêng có thể được chấp thuận phá sản ngay mà không cần phải áp dụng biện pháp phục hồi, đồng thời, cũng không cần tiến hành sáp nhập, hợp nhất, bán hoặc giải thể trước.

Đề xuất cho phá sản ngân hàng mà không cần áp dụng biện pháp phục hồi

TCTD yếu kém có thể sẽ được phá sản ngay mà không cần áp dụng các biện pháp phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, bán hoặc giải thể trước đó

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Một nội dung rất đáng chú ý trong dự thảo Luật này là NHNN đã phân định tách biệt 3 phương án xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, bao gồm: áp dụng biện pháp phục hồi, xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc đối với TCTD yếu kém.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 về Đề xuất và phê duyệt chủ trương xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật quy định: Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Ban kiểm soát đặc biệt, căn cứ kết quả đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tổng thể của tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi hoặc xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém.

Điều 24 dự thảo Luật cũng quy định, việc xử lý pháp nhân được thực hiện theo 1 trong 5 hình thức: sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản.

Như vậy, TCTD nói chung và các ngân hàng nói riêng có thể được chấp thuận phá sản ngay mà không cần phải áp dụng biện pháp phục hồi, đồng thời, cũng không cần tiến hành sáp nhập, hợp nhất, bán hoặc giải thể trước.

Đây là quy định khá bất ngờ, bởi trước đây, trong khuôn khổ xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, NHNN có đề xuất sơ bộ quy trình 9 bước xử lý TCTD yếu kém, trong đó, phá sản TCTD là bước cuối cùng. Trước đó, NHNN sẽ tiến hành xây dựng phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, bán hoặc giải thể TCTD. Nếu các phương án này không được thông qua, hoặc được thông qua và áp dụng nhưng kết quả thực hiện không đem lại hiệu quả thì mới cho phép tiến hành phá sản TCTD.

Cũng trong một văn bản trước đây trong khuôn khổ xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, NHNN từng đánh giá, Luật các TCTD 2010 chưa quy định rõ việc tiến hành ngay thủ tục phá sản TCTD mà không cần thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với TCTD yếu kém không thể và không cần phục hồi. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật lần này, NHNN mặc dù đã đề xuất tiến hành ngay thủ tục phá sản TCTD nhưng trước đó vẫn phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tiền gửi người dân

Song song với đề xuất cho phép phá sản ngân hàng mà không cần áp dụng các biện pháp phục hồi, NHNN còn có đề xuất cụ thể về vấn đề đảm bảo tiền gửi người dân khi phá sản ngân hàng

Thông điệp "đảm bảo tiền gửi người dân khi phá sản ngân hàng" tiếp tục được NHNN khẳng định trong dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu khi NHNN dành hẳn một điều riêng về biện pháp hỗ trợ đối với trường hợp xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản.

Cụ thể, Điều 26 dự thảo Luật quy định, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, Điều 26 cũng quy định, việc chi trả tiền gửi cá nhân trên không bao gồm tiền gửi của cá nhân là: người quản lý, người điều hành; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn (trừ thành viên góp vốn của quỹ tín dụng nhân dân); những người có liên quan đến 2 đối tượng nêu trên.

Tin mới lên