Tài chính

Đề xuất để lại cho các DNNN 30-40% thặng dư cổ phần hóa, thoái vốn

(VNF) - Lãnh đạo PVN đề nghị Nhà nước xem xét để lại cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khoảng 30-40% phần thặng dư từ cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó có quy định doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng và phát triển tốt nguồn vốn này

Đề xuất để lại cho các DNNN 30-40% thặng dư cổ phần hóa, thoái vốn

Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của PVN

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó cho phép để lại một phần lãi dầu của nước chủ nhà, cho phép để lại 100% phần thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các công ty con thuộc PVN… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay các chính sách này chưa được triển khai đầy đủ, đồng bộ.

"Tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, PVN đã có những kiến nghị nhằm thực hiện một số cơ chế chính sách đã được nêu trong Nghị quyết 41, bao gồm cả các kiến nghị chung cho các DNNN khi cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, PVN đề nghị Nhà nước xem xét cơ chế phân bổ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để lại cho doanh nghiệp thực hiện tái đầu tư", lãnh đạo PVN cho biết.

Theo ông Đinh Văn Sơn, thực chất, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn là nguồn thu của tương lai, bao gồm cả phần của nhà nước và của doanh nghiệp được phát sinh tại một thời điểm là cổ phần hóa hoặc thoái vốn.

"Nhà nước cần để lại phần thu này cho doanh nghiệp nếu không giảm vốn điều lệ. Phần thặng dư còn lại thực chất có 30% quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp cộng với một số quỹ khác. Đề nghị Nhà nước xem xét để lại cho các DNNN khoảng 30-40% phần thặng dư này trong đó có quy định doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng và phát triển tốt nguồn vốn này", ông Sơn nói.

Chia sẻ về công tác tái cơ cấu toàn diện PVN, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa PVN nhấn mạnh tập đoàn này sẽ xã hội hóa triệt để lĩnh vực dịch vụ, chỉ giữ những dịch vụ liên quan trực tiếp tới khâu thăm dò khai thác dầu khí và thực hiện thoái vốn trong lĩnh vực điện theo lộ trình cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 3 lĩnh vực chính PVN tập trung kinh doanh gồm thăm dò - khai thác, công nghiệp khí và chế biến dầu khí.

Dự kiến, vốn góp của PVN vào các đơn vị thành viên tính đến cuối năm 2025 sẽ giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng mệnh giá (tương đương giảm 23% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó giai đoạn 2018-2020 giảm 38,1 nghìn tỷ đồng mệnh giá), nhằm nâng cao hiệu quả lên khoảng 20-30% so với trước đó.

"Số giảm này thực chất đã được xã hội hóa và dịch chuyển sang khu vực có hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo điều kiện cho PVN tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi", ông Đinh Văn Sơn cho biết.

Về các dự án yếu kém ngành công thương, Thành viên HĐTV PVN nhấn mạnh với tiến độ hiện nay, PVN có thể xử lý cơ bản các dự án yếu kém vào năm 2020.

Ông Sơn dẫn ví dụ, Công ty Hóa Dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), sau 3 năm trì trệ, tưởng chừng không hoạt động lại được thì đã vận hành toàn bộ dây truyền phân xưởng sợi Filament trong 6 tháng qua, xuất bán gần 1.500 tấn sản phẩm sợi DTY các loại cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, bảo đảm an toàn các nguyên liệu của ngành dệt may.

Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký được Hợp đồng hợp tác gia công E100 với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) ngày 12/06/2018. Ngày 25/9/2018, nhà máy NLSH Dung Quất đã sấy lò để chuẩn bị vận hành sản xuất; ngày 28/10/2018 đã hoàn thành sản xuất 2.000m3 cồn E100. Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOil (nắm giữ 39,76% vốn điều lệ) đang thu xếp lịch họp cổ đông để tìm ra các giải pháp xử lý tối ưu.

Với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, PVN đã thuê tổ chức định giá và đang tiến hành tái cơ cấu, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu để chào bán toàn bộ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư quan tâm ở trong và ngoài nước.

Riêng Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, lãnh đạo PVN cho biết đã chỉ đạo PVOil làm việc với các cổ đông để tìm phương án tối ưu, bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp.

Chia sẻ về việc cổ phần hóa các công ty "con cưng", Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa của PVN cho biết, PVOil và PVPower đã từng đề nghị lần đầu phát hành cổ phần ra công chúng (IPO) ở mức 5% rồi lên 7% và cuối cùng là 8%.

Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của thị trường và lợi thế to lớn của 2 đơn vị này, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá đã quyết bán tối đa 20% vốn nhà nước ở mỗi đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP cuả Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Do đó, ngay cả khi các đơn vị chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì trách nhiệm cổ phần hóa cũng sẽ đỡ nặng nề hơn về sau.

 

Tin mới lên