Tài chính

Đề xuất hỗ trợ 500 tỷ tiền mặt cho các doanh nghiệp sản xuất ‘3 tại chỗ’ ở TP. HCM

(VNF) - Tổ tư vấn khuyến nghị hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất 3 tại chỗ tại các khu chế xuất/khu công nghiệp trên địa bàn TP. HCM với tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Đề xuất hỗ trợ 500 tỷ tiền mặt cho các doanh nghiệp sản xuất ‘3 tại chỗ’ ở TP. HCM

Đề xuất hỗ trợ 500 tỷ tiền mặt cho các doanh nghiệp sản xuất ‘3 tại chỗ’ ở TP. HCM

“Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch dịch và phục hồi kinh tế” của TP. HCM mới đây đã có khuyến nghị chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/8/2021.

Một trong những nội dung đáng chú ý của bản khuyến nghị này là gói hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ.

Theo đó, tổ tư vấn khuyến nghị hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất 3 tại chỗ tại các khu chế xuất/khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng giá trị 500 tỷ đồng.

Quan điểm của tổ tư vấn là gói hỗ trợ này không nên quy định chỉ hỗ trợ cho một hạng mục chi phí cụ thể. Nguyên nhân là qua khảo sát, các doanh nghiệp có mức chi phí xét nghiệm, phụ cấp lao động, ăn ở khác nhau. Do vậy, thành phố nên hỗ trợ 1 gói còn doanh nghiệp sẽ tự quyết định dùng tiền hỗ trợ này để trang trải các chi phí cụ thể của họ.

Gói hỗ trợ không phân biệt về quy mô, đặc điểm cụ thể của doanh nghiệp, từ đó việc triển khai gói hỗ trợ sẽ không tạo gánh nặng cho cơ quan thực thi, đặc biệt là trong khâu xét duyệt.

Theo tổ tư vấn, gói hỗ trợ được giải ngân theo 2 đợt. Đợt 1, thành phố hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp hiện đang tổ chức sản xuất 3 tại chỗ kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 cho đến nay.

Mức hỗ trợ (được giải ngân ngay khi ban hành gói hỗ trợ) là 4,5 triệu đồng/lao động.

Tổng mức hỗ trợ cho mỗi doanh nghiệp được tính trên số lượng lao động 3 tại chỗ thực tế mà doanh nghiệp sử dụng.

Mức hỗ trợ này này tương đương 48% mức chi phí tăng thêm bình quân của các doanh nghiệp khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong vòng 1 tháng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ đợt 1 là 270 tỷ đồng.

Đợt 2, thành phố hỗ trợ tiếp cho các doanh nghiệp hiện tiếp tục tổ chức sản xuất 3 tại chỗ (nếu kéo dài tiếp CT16+ từ 15/8/2021).

Mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/lao động. Mức hỗ trợ này tương đương 64% mức chi phí tăng thêm bình quân của các doanh nghiệp khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong vòng 15 ngày. Tổng giá trị của gói hỗ trợ đợt 2 là 230 tỷ đồng

Ngoài khuyến nghị gói hỗ trợ tiền mặt, tổ tư vấn cũng khuyến nghị chính sách vắc xin. Cụ thể là ưu tiên và đẩy nhanh tiêm vắc xin cho lao động 3 tại chỗ/sản xuất hàng thiết yếu; đảm bảo 100% lao động doanh nghiệp 3 tại chỗ, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu được tiêm vắc xin mũi 1 tính đến ngày 15/8.

Thành phố sẽ tiêm vắc xin mũi thứ 2 cho lao động doanh nghiệp ngay khi đủ khoảng cách thời gian so với mũi 1. Với số lao động 3 tại chỗ hiện nay, phải đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 2 vào ngày 2 tháng 9.

Những người lao động đạt thời gian 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 mũi sẽ được về nhà; cấp giấy chứng nhận tiêm 2 mũi; được cho phép đi lại giữa nơi ở đăng ký với nơi làm việc.

Từ đầu tháng 9, các doanh nghiệp 3 tại chỗ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu sẽ có 100% lao động được tiêm 2 mũi và được tổ chức sản xuất trong điều kiện bình thường mới

Với chính sách “3 tại chỗ”, tổ tư vấn khuyến nghị thành phố vẫn nên thực hiện nghiêm.

Tuy nhiên, tổ cũng tư vấn nên điều chỉnh chính sách “1 cung đường – 2 điểm đến” thành “1 cung đường – các điểm đến”. Theo đó, thành phố nên cho phép công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau, doanh nghiệp tổ chức lực lượng bảo vệ và giám sát tại tất cả các điểm; tổ chức xe đón tại các điểm (tuyệt đối không dừng ngoài các điểm đăng ký).

Đồng thời, thành phố cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit trong danh mục của Bộ Y tế. Người đọc kết quả xét nghiệm phải được đào tạo bởi BYT và được cấp chứng chỉ.

Song song với đó là cho phép khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp.

Với chính sách xử lý F0, tổ tư vấn khuyến nghị thành phố áp dụng nguyên tắc “Lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động” và “Tàn nhưng không phế”.

Cụ thể, với F0, nhà máy đưa F0 vào bộ phận cách ly trong nhà máy, quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F0 tại nhà đang áp dụng ở TP.HCM. F0 khỏe mạnh vẫn có thể làm việc miễn là không tiếp xúc với những người chưa nhiễm virus.

Các F1 được xét nghiệm PCR ngay lập tức và sau 7 ngày tiếp theo. Các F1 thuộc bộ phận có F0 vẫn tiếp tục làm việc trong bộ phận sau 3 ngày khử khuẩn, thông gió và được quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F1 tại nhà đang áp dụng ở TP. HCM.

Nhà máy dừng sản xuất bộ phận, khu vực F0 có tiếp xúc để khử khuẩn nhà máy theo hướng dẫn áp dụng với cơ sở y tế. Việc khử khuẩn được thực hiện bởi các doanh nghiệp khử khuẩn dịch vụ (vẫn đang làm dịch vụ khử khuẩn cho các cơ sở y tế: hiện nay các cơ sở y tế khử khuẩn, mở cửa, sau đó tiếp tục hoạt động mà không đóng cửa vì đang quá tải bệnh viện); khử khuẩn và mở cửa thông khí.

3 ngày sau khi khử khuẩn, bộ phận có F0 của doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Các bộ phận khác không liên quan được hoạt động bình thường.

Tổ y tế cộng đồng của nhà máy theo dõi tình hình của F0, F1 và cập nhật tình hình tới cơ quan y tế tương tự hướng dẫn chăm sóc F0, F1 tại nhà.

Trách nhiệm Bộ Y tế/Sở Y tế là công bố các đơn vị thực hiện dịch vụ khử khuẩn, dịch vụ xét nghiệm PCR đạt tiêu chuẩn để doanh nghiệp liên hệ.

Những người tiếp xúc cùng F0 trong cụm đó thì xét nghiệm PCR trong khi vẫn làm việc trong cụm; sau 1 tuần, xét nghiệm F1 lần 2 PCR - quản lý theo dõi sức khoẻ giống trường hợp cách ly F0 tại nhà;

Tổ chức cụm/block quy mô nhỏ 50-100 công nhân (phụ thuộc vào tính toán năng lực xử lý y tế tại chỗ trong trường hợp rủi ro); nhà máy được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các cơ sở y tế.

Tin mới lên