Bất động sản

Đề xuất loạt cơ chế chính sách chưa có tiền lệ đối với 2 'siêu dự án' vành đai

(VNF) - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã cùng TP. HCM phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho Chính phủ để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho dự án vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Đề xuất loạt cơ chế chính sách chưa có tiền lệ đối với 2 'siêu dự án' vành đai

Đề xuất một loạt chính sách chưa có tiền lệ để làm đường vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá" tổ chức ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết Bộ được giao nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường cao tốc, hiện nay triển khai giai đoạn 1 của đường cao tốc phía Đông và đồng thời cũng triển khai giai đoạn 2 cao tốc phía Đông để chúng ta phấn đấu đến năm 2025 liên thông.

Theo ông Thọ, từ thực tiễn tổ chức triển khai có những bất cập được rút ra trong công tác lãnh đạo chỉ đạo cũng như triển khai thực hiện. Cơ chế chính sách cần được ban hành tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra. Trên cơ sở các quyết định, văn bản, cần điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp để có thể khơi thông trong vấn đề đầu tư, hạn chế khó khăn vướng mắc.

Đối với dự án cao tốc phía Đông, ông Thọ cho biết từ thực tiễn giai đoạn 1, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Chính phủ đưa ra một số cơ chế chính sách thuộc các nhóm vấn đề như phân cấp phân quyền, chỉ định thầu, nguồn vật liệu. Đây là 3 điểm nghẽn trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng dự án. Chính vì thế, 3 nhóm cơ chế này được Chính phủ trình Quốc hội, được Quốc hội cho phép thông qua tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 44 về xây dựng đường cao tốc phía đông giai đoạn 2.

Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 thực hiện dự án. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cơ chế chính sách này rất hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về thời gian, thủ tục, tất cả các việc điều hành tổ chức một loạt khâu trong dự án.

Trên cơ sở nhiệm vụ triển khai vành đai 3 của TP. HCM, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết đã cùng đại phương này phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho Chính phủ để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho 2 dự án vành đai.

Cụ thể, về vấn đề phân cấp phân quyền, chỉ định thầu, vật liệu đối với 2 dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nhóm dự án về nguồn vốn cho đầu tư. Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Đồng thời xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

"Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, ông Thọ cho biết trước hết cần phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, như TP. HCM và Hà Nội cũng có ý kiến, giao 2 thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Ngoài ra, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua.

Về cơ chế chỉ định thầu, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần. Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành.

Về vấn đề khai thác khoáng sản và làm vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

"Trong Nghị quyết 43, về cơ chế, trong thời gian qua chúng tôi đã xin trong quá trình thực hiện dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiệu đánh giá tác động môi trường, chịu sự quản lý giám sát đối với việc khai thác sử dụng khoáng sản, nộp thuế phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật", Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Bộ Giao thông Vận tại cũng đề xuất cho phép các mỏ, cát sỏi lòng sông đã cấp phép đang hoạt động còn thời gian khai thác thì UBND các cấp được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh đánh giá cân bằng môi trường.

Đối với địa phương, ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường làm hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản ở các địa phương có dự án đi qua.

"Đây là một số cái mới đối với đường vành đai 3 TP. HCM và vành đai 4 - vùng Thủ đô kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết.

Tin mới lên